Nguy cơ chiến tranh bom chùm ở Ukraine

09/07/2023 06:20 GMT+7

Trong lúc Ukraine đạt được tiến triển ở Bakhmut, Mỹ thông báo gửi bom chùm cho Kyiv và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO vào ngày thứ 500 của cuộc xung đột.

Chiến dịch phản công của Ukraine đã giành lại một số khu vực trước đây tổn thất về tay quân đội Nga, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận được sự ủng hộ quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng gia nhập NATO.

Nguy cơ chiến tranh bom chùm ở Ukraine - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thị sát các đơn vị mới thành lập

Reuters

Tình hình ở Bakhmut

Hôm qua, tờ The Guardian dẫn phân tích của Viện Nghiên cứu chiến tranh (trụ sở Washington D.C, Mỹ) cho rằng chiến dịch phản công của chính quyền Kyiv được cho tiến triển đáng kể về khía cạnh chiến thuật ở Bakhmut. Cụ thể, những hình ảnh đã được xác minh vị trí địa lý vào thời điểm diễn ra cho thấy các đơn vị Ukraine tiến quân gần những ngôi làng ở phía bắc và phía nam Bakhmut, cho phép quân đội Ukraine giành lại những vị trí đã mất trước đó.

Xem nhanh: Chiến dịch ngày 499, đã nhiều vũ khí phương Tây, Ukraine lại thêm mạnh với đạn chùm

Cùng ngày, báo cáo tình báo của Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng quân Ukraine duy trì tiến triển một cách ổn định ở phía bắc lẫn phía nam Bakhmut. Phía tình báo Anh nhận định trong 7 ngày qua, Bakhmut một lần nữa trở thành "chảo lửa", chứng kiến một trong những đợt giao tranh ác liệt nhất dọc theo tiền tuyến.

Giới chức quân sự của chính quyền Kyiv cũng xác nhận tiếp tục triển khai các mũi tấn công ở phía tây Zaporizhzhia và dọc theo ranh giới giữa tỉnh Zaporizhzhia và Donetsk. Còn Bộ Quốc phòng Nga và các nguồn tin khác của Moscow cho hay lực lượng Ukraine xúc tiến các đợt phản công theo hướng Kreminna, dọc theo ranh giới Kharkiv - Luhansk.

Trong lúc chiến sự tiếp tục căng thẳng, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thị sát hoạt động huấn luyện các đơn vị mới thành lập, bao gồm những quân nhân được ký kết theo hợp đồng, theo TASS. Hãng thông tấn của Nga không cung cấp thông tin về vị trí hoặc thời điểm diễn ra chuyến thị sát.

Nga nói đạn chùm do Mỹ cung cấp sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự ở Ukraine

Ukraine sẽ nhận bom chùm từ Mỹ

Vào ngày thứ 500 kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến đảo Rắn trên Biển Đen. Đây là nơi quân Nga nhanh chóng kiểm soát sau khi phát động chiến dịch quân sự vào ngày 24.2.2022. Lực lượng Ukraine đã đoạt lại nơi này sau 2 tháng. Vì thế, đảo Rắn được Ukraine là biểu tượng của sự bất khả chiến bại.

Tổng thống Nga thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm qua, Tổng thống Tayyip Erdogan xác nhận người đồng cấp Nga Vladimir Putin sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8. Ông Erdogan cho hay sẽ thuyết phục ông Putin điều chỉnh thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen, kéo dài thời gian cần gia hạn từ 2 tháng lên ít nhất 3 tháng.

Trả lời câu hỏi về việc liệu Nga đang chuẩn bị cho chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Putin vào tháng 8 hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay hai bên vẫn chưa nhất trí ngày cụ thể cho hoạt động này. Hiện Nga không hài lòng về việc triển khai thỏa thuận ngũ cốc và cảnh báo sẽ không tiếp tục gia hạn thỏa thuận vào thời điểm kết thúc ngày 17.7.

Trước khi đến đảo Rắn, ông Zelensky công du CH Czech, Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Istanbul, Ukraine nhận được sự ủng hộ quan trọng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan về viễn cảnh gia nhập NATO trước thềm hội nghị của khối diễn ra 11 - 12.7 ở Vilnius (Lithuania).

Thế nhưng, Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho rằng NATO đã đạt được sự nhất trí về khả năng đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine làm thành viên trong lúc cuộc xung đột vẫn đang xảy ra, Reuters đưa tin. Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan khẳng định trong khi ông Biden và các nhà lãnh đạo NATO dĩ nhiên sẽ thể hiện "sự đoàn kết và kiên định" trong việc ủng hộ chính quyền Kyiv, Ukraine sẽ không gia nhập NATO ngay sau hội nghị.

Ukraine khát tên lửa Stinger, Mỹ mời kỹ sư nghỉ hưu quay lại giúp chế tạo

Ông Sullivan cũng thừa nhận bom chùm có thể mang đến nguy cơ cho dân thường, sau khi Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 800 triệu USD, trong đó có bom chùm, cho Ukraine. Đây là động thái lập tức gây nên quan ngại trong giới quan sát và các tổ chức nhân đạo, dù Tổng thống Biden thừa nhận đây là quyết định khó khăn đối với chính quyền Washington.

Vào thời điểm hiện tại, hơn 100 quốc gia cấm sử dụng bom chùm vì hậu quả đến từ những dòng vũ khí này có thể kéo dài nhiều thập niên sau khi chiến tranh kết thúc. Nga, Mỹ và Ukraine hiện vẫn chưa ký vào Công ước cấm sử dụng bom, đạn chùm. Trước thông tin trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov gọi hành động Washington cung cấp bom chùm cho Ukraine là sự thừa nhận thất bại trên chiến trường và nỗ lực trong tuyệt vọng của Mỹ và Ukraine nhằm xoay chiều cuộc xung đột. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.