Nhiều sở ngành TP.HCM vẫn còn lấy ý kiến dàn trải, yêu cầu gấp rút

30/10/2023 16:48 GMT+7

Khi lấy ý kiến phối hợp, nhiều cơ quan ở TP.HCM gửi dàn trải, nội dung không cụ thể, đề nghị phản hồi trong 1 - 2 ngày khiến cơ quan phối hợp khó trả lời.

Chiều 30.10, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp kinh tế - xã hội định kỳ đánh giá tình hình 10 tháng, giải pháp cho 2 tháng cuối năm 2023 và sơ kết quy chế phối hợp giữa các sở ngành, địa phương.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết tính từ khi có Quyết định 2536 ngày 27.7.2022 của UBND TP.HCM đến ngày 30.6.2023, các đơn vị gửi khoảng 80.854 văn bản đề nghị phối hợp, trong đó có 610 văn bản trễ hạn.

Ngoài ra, các đơn vị cũng tổ chức 14.361 cuộc họp và gửi 2.668 đề nghị phối hợp kiểm tra.

Sở Nội vụ đánh giá một số văn bản đề nghị có ý kiến với thời gian quá ngắn (từ 1-2 ngày), nhưng nội dung cần nhiều thời gian nghiên cứu để có thể góp ý và nêu chính kiến cụ thể dẫn đến công tác phối hợp còn chậm trễ.

Nhiều sở ngành TP.HCM vẫn còn lấy ý kiến dàn trải, yêu cầu gấp rút - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM báo cáo kết quả hơn 1 năm thực hiện quy chế phối hợp

TTBC TP.HCM

Công văn đề nghị góp ý lại được gửi dàn trải đến tất cả cơ quan, đơn vị, trong đó có cả những nơi không liên quan hoặc không đúng chức năng, nhiệm vụ dẫn đến công tác phối hợp kéo dài, chưa đạt hiệu quả. Một số trường hợp văn bản có nội dung đề nghị chưa cụ thể, dẫn đến việc nêu ý kiến chưa đúng trọng tâm, chưa đạt chất lượng.

Trước hạn chế trên, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM đề nghị cơ quan, đơn vị chủ trì cần rà soát kỹ nội dung, tập trung vào đúng trọng tâm lĩnh vực, cân nhắc thời hạn thực hiện để cơ quan phối hợp có đủ thời gian nghiên cứu, đảm bảo chất lượng tham mưu. Trong trường hợp thực hiện gấp theo chỉ đạo của cấp trên, những nội dung khẩn thì phải đảm bảo thời gian theo chỉ đạo.

Đối với những nội dung, quy trình thủ tục hành chính đã có quy định thời gian thì phải đảm bảo thời gian theo quy định. Đối với những nội dung khác, cơ quan chủ trì phải dự trù thời gian tối thiểu trên 3 ngày để cơ quan phối hợp nghiên cứu, rà soát, phúc đáp theo yêu cầu. Cơ quan phối hợp trong vòng 7 ngày phải có văn bản phúc đáp.

Cơ quan nhận được đề nghị phối hợp cần chú trọng cho việc góp ý, đảm bảo nội dung trả lời, góp ý theo đúng yêu cầu. Nếu quá thời hạn, cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo những cơ quan phối hợp không thực hiện hoặc không có văn bản phản hồi, gửi Chủ tịch UBND TP.HCM (thông qua Sở Nội vụ) để xem xét, đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ quý, năm.

Nhiều sở ngành TP.HCM vẫn còn lấy ý kiến dàn trải, yêu cầu gấp rút - Ảnh 1.

Công chức bộ phận một cửa UBND Q.Gò Vấp, TP.HCM giải quyết hồ sơ hành chính của người dân và doanh nghiệp

SỸ ĐÔNG

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM nhận định nếu giám đốc sở quan tâm thì chủ đề khó vẫn đảm bảo chất lượng.

Để giải quyết tình trạng góp ý nội dung không đúng trọng tâm, ông Hạnh đề nghị đối với đơn vị chủ trì, khi gửi văn bản lấy ý kiến thì phải nêu rõ yêu cầu muốn gì, chọn phương án nào để đơn vị phối hợp góp ý cho đúng trọng tâm. "Chứ cứ nêu khó khăn mà không có đề xuất thì lãnh đạo không biết, đơn vị khác cũng không biết có ý kiến gì", ông Hạnh nói.

Đối với những dự án gặp vướng mắc, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng cơ quan đề xuất từ đầu phải có ý kiến, phương án tháo gỡ để các đơn vị khác cùng góp ý tháo gỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.