Có gan làm giàu

03/06/2013 03:45 GMT+7

Hai ngư dân Bình Định đầu tư vốn đóng tàu công suất lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm ổn định cho nhiều ngư dân khác.

>> Tiếp sức ngư dân vươn khơi bám biển
>> Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam
>> Tặng áo phao cho ngư dân
>> Lúng túng dự án đóng tàu vỏ sắt cho ngư dân

Từ ven bờ tiến ra khơi xa

Nhắc đến chuyện bám biểm làm giàu ở Bình Định, ai cũng nghĩ ngay đến ông Nguyễn Văn Ái (64 tuổi, ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, H.Phù Mỹ), người đang sở hữu đội tàu “khủng”, gồm 4 chiếc: BĐ 94439 TS (công suất 900 CV),  BĐ 94529 TS (800 CV), BĐ 94032 TS (500 CV) và BĐ 94033 TS (450 CV). Ngoài người trong gia đình, đội tàu của ông Ái còn giải quyết việc làm cho hơn 75 lao động. Trong năm 2012, đội tàu này đã thực hiện hơn 20 chuyến đi biển, bình quân mỗi chuyến đánh được từ 40-45 tấn cá ngừ, tổng doanh thu hơn 20 tỉ đồng, các thuyền viên có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/người.

Tàu của ông Ái đánh bắt tại Trường Sa
Tàu của ông Ái đánh bắt tại Trường Sa - Ảnh: Đình Thung 

Năm 1985, lần đầu tiên trong đời ông Ái tự bỏ tiền ra đóng được chiếc ghe có công suất 30 CV. Hơn 10 năm sau, nghề đánh bắt gần bờ ngày càng khó khăn, ông Ái dùng hết số tiền dành dụm, vay thêm ngân hàng để đóng được chiếc ghe 60 CV, thời đó trị giá hơn 5 cây vàng. Ăn nên làm ra, 2 năm sau, ông Ái lại vay mượn để đóng thêm chiếc ghe có công suất 90 CV, trị giá 48 cây vàng. Một năm sau, ông đóng chiếc tàu thứ 3 có công suất đến 270 CV nhưng không cần phải vay mượn nữa, nợ cũ cũng đã trả xong. “Hồi đó, nghề vây rút chì mới ra đời, biển Đông thì trù phú nên một chuyến biển kéo dài chỉ 3 ngày đã được 7-8 tấn cá. Thấy “ngon ăn” nên tôi làm quên ăn, quên ngủ, liên tục ra khơi”, ông Ái tâm sự.

Liên tục thay dần tàu nhỏ bằng tàu lớn, đến năm 2012 ông Ái đã sở hữu đội tàu 4 chiếc tàu có tổng công suất 2.650 CV, trang bị những phương tiện đánh bắt hiện đại, tung hoành khắp Hoàng Sa, Trường Sa. Đội tàu của ông Ái thành một tổ đánh bắt trên biển, luân phiên nhau vào bờ để bán hải sản, sắm hàng hóa, thăm gia đình… nên tiết kiệm rất nhiều chi phí nhưng thời gian đánh bắt lại kéo dài. Từ nghề đánh bắt cá, ông Ái đã xây được nhà bạc tỉ, tậu ô tô 7 chỗ ngồi… Nay việc ra khơi ông giao lại các con trai phụ trách, còn mình ở nhà làm tổng chỉ huy.

“Tập đoàn” tàu cá

Để tạo dựng và quản lý được đội tàu có 12 chiếc đánh bắt khắp biển Đông, ông Bùi Thanh Ninh (56 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) có nhiều sáng kiến gắn trách nhiệm và quyền lợi của các tài công với tàu cá. Ông chọn những người giỏi để giao tàu, rồi cho họ “góp cổ phần” từ 25-50% tổng tài sản trên tàu bằng cách trừ dần thu nhập sau mỗi chuyến biển mà tài công được hưởng… Tài công, thuyền viên chưa có nhà ở, ông Ninh cho ứng trước tiền để xây nhà mới… “Phải làm cho tài công, thuyền viên yên tâm chuyện gia đình, có thu nhập khá mỗi khi ra khơi thì họ mới toàn tâm, toàn ý đánh bắt. Hiện mỗi tài công trong đội tàu của tôi có thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm, mỗi thuyền viên thu nhập 60 triệu đồng/năm”, ông Ninh nói.

Năm 1980, ông Ninh xuất ngũ, về quê nhà đi bạn (làm thuê) cho một tàu cá ở địa phương. Dành dụm hơn 5 năm, ông gom góp hết hùn 50% vốn đóng chiếc tàu 30 CV hành nghề đánh bắt cá chuồn. Biết cá chuồn được thị trường các tỉnh phía bắc rất chuộng và bán được giá cao, ông Ninh bỏ biển đi buôn cá chuồn. Năm 1994, khi cá chuồn khô bắt đầu bị “thất sủng”, ông Ninh dùng tiền tích lũy của gia đình, vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đóng tàu. Ông tự thiết kế, tự tìm nguồn gỗ, thuê bãi, thuê thợ về đóng tàu dưới sự chỉ huy của mình. Tàu đóng xong, chạy tốt nên nhiều ngư dân khác đặt hàng ông Ninh đóng tàu. Vậy là ông thành lập ngay một xưởng đóng tàu và làm thêm các dịch vụ cung ứng xăng dầu, lương thực thực phẩm cho tàu cá và bao tiêu luôn sản phẩm… Tiền lãi từ đánh bắt, đóng tàu và các khâu dịch vụ, ông Ninh góp hết rồi huy động các tài công cùng góp vốn để đầu tư đóng thêm tàu lớn công suất từ 350-450 CV, loại bỏ dần những tàu công suất nhỏ.

Hiện “tập đoàn” tàu cá đánh bắt xa bờ do ông Ninh làm tổng chỉ huy có 12 chiếc, công suất từ 300-450 CV/chiếc, lực lượng lao động hơn 150 người. Trong năm 2012, đội tàu của ông Ninh đi hơn 100 chuyến, đánh bắt được khoảng 1.000 tấn cá các loại. “Tôi dự tính cùng với các tài công góp vốn để đóng 1 chiếc tàu chuyên làm công tác hậu cần cho 12 chiếc trực tiếp đánh bắt nhằm làm giảm phí tổn, tăng hiệu quả đánh bắt trên biển”, ông Ninh nói. 

Tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn đóng tàu lớn

Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có trên 240 tổ, đội “Đoàn kết” đánh bắt xa bờ, mỗi tổ có 3-5 tàu cá nhằm giúp nhau bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn trên biển nên mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong đó, đội tàu của ông Ái và ông Ninh là những cánh chim đầu đàn. Ngành nông nghiệp luôn tạo điều kiện để các ngư dân tiếp cận vốn ngân hàng đóng thêm tàu công suất lớn để khai thác hiệu quả hơn, giúp ngư dân bám biển giữ ngư trường.

Hoàng Trọng

>> Bến Tre: Lắp đặt 100 thiết bị kết nối vệ tinh cho tàu đánh bắt xa bờ
>> Hỗ trợ đóng tàu đánh bắt xa bờ
>> Thành lập HTX đánh bắt xa bờ đầu tiên ở Quảng Ngãi
>> Kiến nghị nhân rộng mô hình ngư đội đánh bắt xa bờ
>> Bán đấu giá tàu đánh bắt xa bờ ở Quảng Nam: Mới thu hồi chưa được 1/10 số vốn đầu tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.