Phút lầm lỡ của hai người trẻ

30/07/2010 09:43 GMT+7

Người phụ nữ trong tình cảnh mỏi mòn chờ đợi chồng, con giữa đêm dài cô độc, khi chồng và hai con trai của bà mang tội giết người sau một cuộc đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”.

Đó là bà Huỳnh Thị Phượng ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Tôi gặp lại bà sau hai năm kể từ lúc bà quỵ sụp xuống ngay khi tòa tuyên án. Người hàng xóm nói bà sống lầm lũi như cái bóng.

Hẳn cái đêm 20-6-2008 xảy ra vụ giết người kinh hoàng ấy vẫn chưa dễ ai trong xóm nghèo quên được. Cáo trạng nêu khoảng 23g30, T.Q.T. và N.T.V. cùng bốn đối tượng mang theo hung khí đến nhà ông Nguyễn Nở đòi nợ.

Nghe tiếng kêu cứu của cha, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Long - hai người con ông Nở - cùng các thanh niên trong xóm đang ngồi ở quán nước gần đó chạy về. Họ dùng ly, chai, gạch tấn công nhóm của T.. Hai người trong nhóm T. bỏ chạy, bốn người còn lại, trong đó có T. và V., chạy luôn vào nhà ông Nở đóng cửa lại.

T. kẹp cổ bà Phượng (vợ ông Nở) trước cửa phòng ngủ, V. chạy vào trong phòng ngủ đóng cửa lại trốn.

Ông Nở mở cửa thoát ra ngoài thì gặp Long và An. Ông bảo hai con vào lò mổ bò phía sau nhà lấy dao. Sau đó, ba cha con theo cửa sau vào nhà, An, Long xông vào dùng dao đâm chém T. nhiều nhát. Ông Nở dùng tuýp sắt đánh T. làm T. bị thương nặng.

T. được đưa đi cấp cứu nhưng chết ngay sau đó vì vết thương quá nặng. V. bị nhiều vết đâm thủng gan, đứt mạch máu với thương tích 62%.

Cha làm hại con

Hôm tòa xử cũng là ngày Nguyễn Văn An tròn tuổi hai mươi.

Khuôn mặt An non nớt, run rẩy trả lời từng câu hỏi của vị thẩm phán. Thừa nhận mọi hành vi tội lỗi của mình, An cúi đầu: “Bị cáo nghĩ mình chỉ có duy nhất một người mẹ, sợ T. giết mẹ nên bị cáo mới làm như vậy. Bây giờ bị cáo mới biết được hành vi phạm tội của mình, chứ lúc đó bị cáo chỉ là bảo vệ mẹ”.

Nghe lời khai của con, bà Phượng ôm mặt khóc.

Tòa tuyên án Nguyễn Văn An tù chung thân, Nguyễn Văn Long 19 năm tù và Nguyễn Nở 15 năm tù.

Ông H. - một người hàng xóm của bị cáo Nở - nói với vẻ trách móc: “Thương vợ con nó bao nhiêu thì tui càng giận nó. Chính Nở hư hỏng không chịu làm ăn tử tế mới dẫn đến nông nỗi này. Trước khi xảy ra án mạng Nở ham cờ bạc lắm. Mấy lần tui có nghe mấy người đến đòi nợ nhưng không có trả. Hai đứa con thằng Nở mới đáng thương, hiền lành. Chỉ vì phút chốc nghe cha bảo đi lấy dao đã gây nên tội tày đình”.

Tại tòa, bị cáo Nở bày tỏ sự hối hận, xin tòa lượng tình, xử nhẹ cho hai người con còn trẻ người non dạ. Có lẽ bị cáo cảm thấy cắn rứt khi chính tay mình đã đẩy hai con ruột vào vòng tù tội.

Luật sư Trần Xuân Thiết, người bào chữa cho bị cáo, nói rằng dù đã tham gia hàng trăm phiên tòa nhưng đây là vụ án khiến ông ray rứt về số phận của hai người trẻ. Ông Thiết tâm sự: “Mấy lần tôi tiếp xúc với hai người con ông Nở trong trại, chúng đều ôm mặt khóc tức tưởi. Chúng bảo không biết răng lúc đó lại hành động điên dại như vậy để giờ phải mang số kiếp tù tội”.

Mỏi mòn chờ chồng con

Chồng và hai con vào tù, bà Phượng như cành cây cứ héo dần héo mòn sau trận bão tố. Căn nhà xưa đông đúc là thế giờ trơ trọi, ẩm mốc. Cỏ dại bò kín sân, leo lên cả bậc thềm.

Khó khăn càng chồng chất, bà Phượng đổ bệnh. Lo lắng, u uất kéo theo chứng mất ngủ. Rồi căn bệnh bướu cổ tái phát, cục bướu ngày càng to dần, khó thở. Gạo thì chạy từng bữa. Chiếc tivi rẻ tiền cũng phải đem bán để bồi thường cho người ta.

Bà thủ thỉ: “Biết răng được, chuyện đã xảy ra rồi, phận mình nghiệt vậy thôi ráng chịu. Hồi xưa cũng cực khổ lắm nhưng có con có chồng bên cạnh cùng gồng gánh. Chứ giờ nay đau mai ốm, đêm hôm lạnh lẽo cũng không biết tựa vào ai”.

Bây giờ, cứ sáng sớm bà lọ mọ đến lò mổ mua vài ký thịt heo bán dạo, mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn. Tiền kiếm được trích ra để đong gạo, phần bỏ ống đến cuối tháng mua ít quà vào trại thăm chồng con.

Bà kể cứ 2-3 tháng lại lặn lội ra trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) thăm chồng con một lần. “Hồi mới ra thăm, thằng An nó bi quan lắm vì mang án chung thân. Nhìn tui nó cứ khóc chứ không chịu nói gì. Nhìn ánh mắt của con, tui sợ! Biết răng được, mang án chung thân nó chán nản làm liều thì khổ. Nên giờ đây khó mấy cuối tháng tui cũng khăn gói ra với ba cha con nó”.

Suốt cả buổi chiều trò chuyện với chúng tôi, bà Phượng cứ nhắc đi nhắc lại một câu: “Mong sao cho cha con cải tạo tốt để sớm được trở về”.

Căn nhà vốn xập xệ bên mé biển của bà cứ lung lay trước gió khi mùa dông bão sắp về.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.