Khối Rubik và “con số của Chúa”

14/08/2010 19:39 GMT+7

Theo những người chơi Rubik lâu năm, nhiều kinh nghiệm chinh phục khối vuông kỳ diệu này, sẽ không thể nào hoàn thành các mặt đồng màu của Rubik chỉ với 20 vòng xoay mà thôi.

Nay, các nhà khoa học đã chứng minh là hoàn toàn có thể thực hiện được điều không tưởng này, thậm chí còn ít vòng xoay hơn. Để làm được, các nhà khoa học đã nhờ đến sự trợ giúp của một siêu máy tính của Google. Sau khi phân tích các tình huống, máy tính cho ra kết quả: trong số hàng tỉ tỉ vị trí khác nhau đối với các mặt màu nhỏ trong toàn thể khối vuông Rubik, có thể xác định được khoảng 300 triệu vị trí để từ đó có thể hoàn thành việc sắp xếp với 20 lần xoay, cá biệt chỉ cần từ 15-19 vòng.

Các nhà khoa học đã chọn 20 tỉ vị trí khác nhau của khối vuông Rubik, từ đó phân ra thành 2,21 tỉ nhóm. Kế tiếp là thực hiện phép toán đối xứng để siêu máy tính loại dần những vị trí không thích hợp để đạt đến kết quả mong muốn. Với một chiếc máy tính để bàn, phải cần đến 35 năm để giải quyết bài toán trên, trong khi siêu máy tính của Google cho kết quả sau vài tuần. Con số 20 trong trường hợp này được gọi là "con số của Chúa", bởi có những thuật toán hiệu quả nhất để tìm ra các trình tự di chuyển ngắn nhất.

Khối vuông Rubik được phát minh bởi giáo sư Ernô Rubik, người Hungari, vào năm 1974. Nhưng phải đến 6 năm sau thì trò chơi này mới trở nên phổ biến. Báo Daily Mail điểm lại một số sự kiện đáng ghi nhớ đối với Rubik: Năm 1992, Hans Kloosterman sau 42 vòng xoay đã hoàn thành việc sắp xếp Rubik, kỷ lục này bị phá vỡ vào tháng 4.2006 bởi Silviu Radu với 27 vòng xoay. Còn thời gian ngắn nhất để hoàn thành công việc thuộc về Breandan Vallance với 10,74 giây. 

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.