Triệt phá bãi thiếc lậu

12/04/2011 01:21 GMT+7

Chỉ trong tuần đầu tháng 4.2011, các cơ quan chức năng H.Lạc Dương (Lâm Đồng) đã huy động lực lượng hùng hậu để “đánh úp” 3 bãi khai thác thiếc trái phép nằm sâu trong rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim.

Cả hai đều bất ngờ!

Sáng 8.4, từ đường 723 (nối Đà Lạt - Nha Trang), vượt khoảng 10 km đường rừng, chúng tôi có mặt tại bãi khai thác thiếc nằm sâu trong cánh rừng phòng hộ, thuộc tiểu khu 119 (xã Đạ Sar), do Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (BQL) và Công ty Thác Rồng quản lý. Tiếng máy diezel đua nhau nổ, xả khói đen xì. Hàng chục công nhân vẫn tất bật dùng xe rùa vận chuyển quặng thiếc từ trong hầm ra ngoài. Các cối xay đá, giàn sàng lọc quặng thiếc hoạt động… bình thường. Ông Phạm Triều, Phó chủ tịch UBND H.Lạc Dương, Trưởng đoàn giải tỏa liên ngành của huyện, thốt lên: “Bãi thiếc quá quy mô, không như báo cáo ban đầu của chủ rừng. Tôi rất bất ngờ!”.

 

 Phá hủy các căn chòi tại bãi thiếc ở tiểu khu 119 - Ảnh: Lâm Viên

Sau khi khảo sát nhanh, đoàn phát hiện tới 6 điểm đang khai thác thiếc với hàng chục lán trại và khoảng trên 100 người đang đào đãi thiếc trái phép. Ông Phạm Triều đã gọi điện yêu cầu UBND xã Đạ Sar và UBND xã Đa Nhim tăng cường thêm 50 công an, dân quân để kịp giải tỏa bãi thiếc trong ngày. Ông Đoàn Quang Giao, Trưởng phòng TN-MT Lạc Dương, cho biết sở dĩ không báo trước cho 2 xã trên phối hợp với đoàn liên ngành để đảm bảo bí mật.

Quanh các điểm đặt giàn sàng lọc quặng thiếc là những địa đạo chằng chịt có chiều sâu trên 2m ăn sâu vào lòng núi, bên trong nhiều nhánh rẽ, được kè chắn bằng gỗ thông rất kiên cố, có hệ thống đèn điện thắp sáng, máy bơm dưỡng khí công suất lớn. Vì đoàn liên ngành đột nhập quá bất ngờ nên người khai thác không kịp trốn chạy. Một người buột miệng: “Các anh là đoàn của tỉnh phải không? Ông chủ của tụi em nói cứ yên tâm mà làm, đừng sợ, vì ảnh đã “lo liệu” trên huyện cả rồi!”.

Đến chiều tối cùng ngày, đoàn đã lập biên bản và thiêu đốt 17 căn chòi, phá hủy và đốt 20 máy nổ, 6 giàn rung sàng lọc quặng thiếc, 11 máy phát điện, 9 cối xay, 7 xe rùa, 2 mô-tơ bơm nước, 1 máy bơm khí công suất lớn, trên 5.000m ống nước.

Trước đó, ngày 7.4, đoàn đến khu vực Sông Con (tiểu khu 140, xã Đa Sar), giáp ranh H.Đơn Dương (Lâm Đồng). Tại đây, có lẽ thông tin bị rò rỉ nên máy móc, phương tiện đều được  chôn giấu dưới hầm sâu, phủ bạt che và lấp đất kín. Dù vậy, đoàn đã phát hiện và tiêu hủy 14 máy nổ, đốt hủy 20 căn chòi, 2 giàn rung sàng lọc quặng thiếc, 2 máy phát điện, 10 xe rùa. Vào ngày 1.4, đoàn đến bãi thiếc nằm sâu trong khoảnh 15, tiểu khu 144a (xã Đạ Sar). Hàng chục người trốn chạy vào rừng. Đoàn đã đốt hủy các căn chòi, phương tiện khai thác thiếc và dùng xe cơ giới san lấp hàng chục hầm thiếc mới đào.

Gặp đầu nậu

Hầu hết các đợt truy quét, đoàn khó lòng gặp được các “đầu nậu” tổ chức khai thác thiếc. Tại bãi thiếc tiểu khu 119, các đối tượng khai đang làm thuê cho 3 ông chủ tên Long, Sơn và Thường. Vì bất ngờ bị “đánh úp” nên “đầu nậu” Vũ Thành Long (36 tuổi) không kịp lẩn trốn. Long khai quê ở tỉnh Thái Nguyên, lấy vợ ở xã Đa Sar. Hai  năm qua Long đưa vợ và 2 con nhỏ vào rừng dựng chòi làm nghề khai thác thiếc. Long đang làm chủ 2 điểm khai thác, sử dụng 14 lao động (chưa kể anh chị em trong nhà). Tại đây còn trang bị 2 chảo để xem truyền hình từ vệ tinh. Long cho biết mỗi giàn sàng lọc làm việc suốt ngày đêm cho ra khoảng 30 kg quặng thiếc; Long chở ra trung tâm xã Đạ Sar bán trôi nổi với giá 170.000 đồng/kg nhưng chẳng biết tên người mua (?).

Long cho biết đã từng bị lực lượng của xã Đạ Sar đến kiểm tra, lập biên bản nhiều lần. Chỉ có một lần anh ta bị xử phạt hành chính, cứ 1 người tham gia khai thác thiếc trái phép bị phạt 150.000 đồng. Còn Triệu Quang Lý (38 tuổi, quê Thái Nguyên) khai báo: “Em làm cho anh Sơn, mới làm được hơn 10 ngày, em lo nấu cơm cho 15 anh em. Anh Sơn đang về Thái Nguyên”. Cơ quan chức năng xác định được một “đầu nậu” khác tên Thường (quê Hà Tây, thường trú tại xã Đạ Sar) cũng không có mặt tại bãi thiếc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Triều cho biết bãi thiếc ở tiểu khu 119 bị khai thác từ nhiều năm qua. Trách nhiệm này trước hết thuộc về chủ rừng là BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Công ty Thác Rồng và chính quyền xã Đạ Sar đã buông lỏng quản lý.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.