Mỗi tháng xuất siêu sang Mỹ 1 tỉ USD

20/08/2011 00:43 GMT+7

Mỹ trở thành nhà nhập khẩu (NK) lớn nhất của VN; đồng thời là thị trường xuất siêu mạnh nhất của nước ta trong 7 tháng qua. Trung bình mỗi tháng VN xuất siêu 1 tỉ USD qua thị trường này.

Hàng nông thủy sản cần được chế biến sâu để tăng giá trị vào thị trường Mỹ -  Ảnh: D.Đ.M

Miếng bánh lớn

Ông Nguyễn Hồng Hà, PGĐ kinh doanh của một xí nghiệp đông lạnh thủy sản có nhà máy ở An Giang cho biết, sắp tới đây sẽ xúc tiến để đưa sản phẩm cá ba sa trở lại thị trường Mỹ sau thời gian dài tạm ngưng. “Mỹ là thị trường tiêu thụ cực lớn hàng thủy sản và các sản phẩm cá ba sa được người Mỹ ưa chuộng. Nhiều công ty thủy sản theo tôi biết chỉ sống dựa vào mỗi thị trường này”, ông Hà nói. Ông cũng thừa nhận thị trường Mỹ vừa dễ vừa khó, dễ vì sức tiêu thụ mạnh, có nhiều phân khúc để tiếp cận; khó do còn vướng thuế chống bán phá giá.

Hàng nông thủy sản vẫn là nhóm sản phẩm có giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) lớn vào thị trường Mỹ. Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng qua, XK thủy sản vào Mỹ đạt 597 triệu USD; hạt điều 216 triệu USD; cà phê 228 triệu USD; hạt tiêu 88 triệu USD; cao su và các sản phẩm cao su 67 triệu USD; rau quả 15 triệu USD; chè 2,3 triệu USD; gạo 4,5 triệu USD... Tuy nhiên, nhóm hàng công nghiệp mới đóng vai trò chủ đạo trong tổng kim ngạch XK vào Mỹ. Tính chung cả dệt may, giày dép và gỗ đã lên tới 5,6 tỉ USD, so với tổng kim ngạch hàng hóa XK của VN vào Mỹ là 9,3 tỉ USD. Còn NK, trong 7 tháng, VN nhập của Mỹ 2,5 tỉ USD hàng hóa.

Quan trọng nhất là khả năng cung ứng chứ không phải thị trường khó hay dễ, đó là vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam

Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương)

Như vậy, Mỹ là thị trường mà VN xuất siêu lớn nhất với 6,8 tỉ USD. Chỉ tính riêng kim ngạch XK vào Mỹ trong năm ngoái đã chiếm 20% tổng kim ngạch XK của VN (15 tỉ USD).

Tại hội thảo Bí quyết thành công với thị trường Mỹ do Bộ Công thương và trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM) tổ chức ngày 19.8,  ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng dù đạt kết quả tốt như vậy nhưng  NK từ VN trong tổng NK của Mỹ cũng chỉ chiếm chưa tới 1% (15 tỉ USD so với 1.900 tỉ USD NK hàng hóa năm 2010 của Mỹ). Tỷ lệ này quá nhỏ trong khi miếng bánh rất lớn. “Mở rộng được thị phần hay không chủ yếu do chúng ta. Cơ hội còn nhiều bởi mặc dù kim ngạch dệt may lớn nhưng chưa đầy 8% trong cơ cấu NK mặt hàng này của Mỹ, giày dép cũng chỉ 7,8%, thủy sản 5%... mà thôi”, ông Khiên nhấn mạnh.

Lo đã tới ngưỡng

Vì sao nhiều mặt hàng nông thủy sản của chúng ta có thế mạnh và tiềm năng phát triển, Mỹ cũng có nhu cầu nhưng vẫn rất khó vào thị trường này? Ông Khiên khẳng định nguyên nhân lớn nhất nằm ở khả năng cung ứng của ta quá kém, không đáp ứng được các đơn hàng quy mô. “Quan trọng nhất là khả năng cung ứng chứ không phải thị trường khó hay dễ, đó là vấn đề của doanh nghiệp (DN) VN” ông Khiên phát biểu.

Nhập khẩu từ Mỹ

Trong 7 tháng đầu năm 2011, VN NK từ Mỹ 18 triệu USD hàng rau quả; 9,6 triệu USD thủy sản; 1,4 triệu USD ngô... đặc biệt là  64 triệu USD lúa mì; 82 triệu USD gỗ; 400 triệu USD bông...

Vị vụ trưởng lấy ví dụ, có lần ông gặp nhà điều hành một công ty thực phẩm lớn của Mỹ, ông này cho biết hạt tiêu Chư Sê (Gia Lai) rất ngon, nhưng không dám mua trực tiếp. Vì các DN XK trong nước manh mún, mỗi DN chỉ có khả năng cung ứng vài container, nên họ sợ không đảm bảo cung cấp hàng thường xuyên và ổn định; trường hợp ngưng cung giữa chừng thì thiệt hại vô cùng nghiêm trọng. Do đó, doanh nhân người Mỹ đã mua hàng thông qua trung gian thu mua để chắc ăn.

Thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng XK vào Mỹ của hàng VN chậm lại, trong khi NK từ Mỹ lại tăng nhanh. Như vậy đã có dấu hiệu cho thấy năng lực XK đã đến ngưỡng nếu không có đột phá. Nhiều chuyên gia cho rằng nếu duy trì XK như cũ, nghĩa là chủ yếu bằng các sản phẩm nông sản thô, thì tăng trưởng số lượng sẽ chậm hoặc dừng hẳn. Cho nên phải đi vào khâu chế biến để tăng trị giá kim ngạch lên. Theo các DN, cần đầu tư chế biến sâu để tăng giá trị nông sản XK. Tuy nhiên trước thực tế công nghiệp chế biến yếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó đảm bảo chất lượng đồng đều và ổn định, điều có thể làm trước mắt là cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao của nước ngoài.

 N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.