Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

07/09/2011 00:35 GMT+7

Ngày 6.9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư tham dự hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam do Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức.

Các chuyên gia, các nhà tài trợ đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong đối phó với khủng hoảng, lạm phát và suy thoái. Nhiều ý kiến cho rằng Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về những giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả mạnh mẽ, giúp Việt Nam ngày càng đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới dưới tác động của khủng hoảng và suy thoái. Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Victoria Kwakwa khuyến nghị, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch trong thu chi ngân sách, tập hợp và công bố thông tin toàn diện về nợ của các doanh nghiệp, đồng thời chú trọng công tác thông tin truyền thông về các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, qua đó sẽ tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về chính sách.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp mà Chính phủ Việt Nam đã nhận được từ các chuyên gia, các nhà tài trợ; cho đây là những ý kiến thiết thực, góp phần tích cực vào công tác điều hành kinh tế vĩ mô và sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thông báo một số mục tiêu điều hành kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ kiên quyết thực hiện Nghị quyết 11/CP trong thời gian tới, đặc biệt là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó kiểm soát lạm phát năm 2011 khoảng 18% và năm 2012 đưa xuống dưới 1 con số, duy trì tăng trưởng ở mức 6%. Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang tập trung kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2011 sẽ dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán 5-6%, kiểm soát tỷ giá để cơ bản ổn định như từ tháng 4 đến nay, lãi suất giảm cùng với lạm phát, bội chi ngân sách dưới 5%,... song song với đó là tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu đầu tư công. Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang tiếp tục tập trung vào sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo mọi điều kiện xuất khẩu, đồng thời quan tâm đảm bảo an sinh, phúc lợi cho người dân.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.