Triển vọng cải cách ở Triều Tiên

27/01/2012 00:38 GMT+7

Quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên hé lộ cải cách kinh tế giữa lúc xuất hiện suy đoán về những thay đổi có thể diễn ra ở nước này.

Cách đây hơn một tuần, Phó chủ tịch Quốc hội CHDCND Triều Tiên Yang Hyong-sop đã tổ chức cuộc họp báo đầu tiên từ khi lãnh đạo Kim Jong-il qua đời hồi cuối tháng 12. Ông Yang là cố vấn thân cận và từng hỗ trợ lãnh đạo Kim ra các quyết sách quan trọng về kinh tế. AP dẫn lời ông khẳng định lãnh đạo mới Kim Jong-un đủ khả năng lãnh đạo đất nước và đang tập trung “xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức”. Theo ông Yang, đại tướng Kim Jong-un cũng đang xem xét các mô hình cải cách của một số nước, trong đó có Trung Quốc, nhưng đường hướng chính vẫn theo các chính sách của cha mình.

“Thời điểm cải cách tốt nhất”

Ngay sau các phát biểu của ông Yang, Yonhap đăng bài xã luận nhận định việc ông đề cập “nền kinh tế tri thức” khiến dư luận rất ngạc nhiên. Theo bài viết, điều này cho thấy CHDCND Triều Tiên gián tiếp thừa nhận cần thay đổi hệ thống kinh tế hiện nay. Bài xã luận còn nhấn mạnh: “Miền Bắc cần nhận ra rằng sẽ không có tương lai nếu lặp lại các chính sách lỗi thời… Đây là thời điểm tốt nhất để CHDCND Triều Tiên cải cách sâu rộng”.

Ngay cả con trai cả của lãnh đạo Kim Jong-il là Kim Jong-nam cũng tỏ ý muốn Triều Tiên cải cách kinh tế. Nhận định này được đưa ra trong cuốn sách Cha tôi - Kim Jong-il và tôi của phóng viên kỳ cựu người Nhật Yoji Gomi, vừa xuất bản ngày 20.1. AFP dẫn lời ông Gomi tuyên bố đã phỏng vấn Kim Jong-nam trước và sau thời điểm ông Kim Jong-il từ trần.

Truyền thông phương Tây trích nội dung sách cho hay Kim Jong-nam, được cho là đang ở Trung Quốc, cảnh báo nếu không mau chóng cải cách, nền kinh tế Triều Tiên “sẽ sụp đổ”. Tuy nhiên, mọi thay đổi phải được tiến hành thật khéo léo, nếu không “cả chế độ sẽ lung lay”. Phóng viên Gomi còn cho hay Kim Jong-nam nghĩ mình bị thất sủng do gợi ý về cải cách kinh tế và chính sách mở cửa “khi còn quá sớm”.

Đến nay, vẫn chưa rõ các chính sách sắp tới của ban lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng do đại tướng Kim Jong-un đứng đầu sẽ đi theo hướng nào. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ tướng Kim có đầu óc cởi mở và có thể sẽ có một số động thái cải cách. “Sự kiện lãnh đạo Kim Jong-il qua đời có thể khiến miền Bắc hướng tới một số thay đổi có giới hạn”, Giáo sư khoa học chính trị Yoo Ho-yeol tại Đại học Hàn Quốc nhận định. Ngoài ra, Reuters dẫn lời một số chuyên gia cho rằng việc miền Bắc tiến hành cải cách kinh tế cũng là một trong những tiền đề tiến tới thống nhất bán đảo Triều Tiên. Theo đó, nếu khoảng cách kinh tế liên Triều được thu hẹp thì quá trình tái hợp có thể diễn ra ít biến động hơn.


Đại tướng Kim Jong-un (giữa) được cho là người có đầu óc cởi mở và có thể tiến hành một số thay đổi - Ảnh: Reuters
 

Thu hút đầu tư

Trong bài bình luận đăng trên tạp chí Diplomat, nhà nghiên cứu Cho Sung-min thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ cho rằng CHDCND Triều Tiên từng nỗ lực cải cách kinh tế trong quá khứ. Theo đó, Bình Nhưỡng đã xây dựng các đặc khu Rason và Sinuiju để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Lãnh đạo Kim Jong-il cũng đã đưa ra một số thay đổi hướng tới cơ chế thị trường. Tuy nhiên, theo ông Cho, những động thái này chưa thể tạo ra đột phá do hệ thống quản lý trung ương hoạt động chưa hiệu quả.

Nhà nghiên cứu Cho nhận định để cải cách kinh tế hiệu quả, Bình Nhưỡng phải thu hút đầu tư rộng rãi để nâng cấp cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa công nghiệp, nông nghiệp. Các đặc khu kinh tế như Rason hay khu công nghiệp liên Triều Kaesong nên được khuyến khích thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài. “Tất nhiên, đầu tư nước ngoài trong thế kỷ 21 đòi hỏi sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin liên lạc. Nghĩa là Bình Nhưỡng phải chấp nhận sự phát triển lan rộng của các phương tiện truyền thông”, ông Cho viết.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý cải cách kinh tế có thể gây ra chia rẽ giữa nhóm bảo thủ và nhóm cấp tiến ở Bình Nhưỡng. “Do đó, các nhà hoạch định chính sách ở những nước liên quan cần hiểu rằng dù có chuyện gì xảy ra, họ nên làm việc chặt chẽ với lãnh đạo Kim Jong-un để khuyến khích cải cách, trước mắt có thể theo mô hình Trung Quốc”, Diplomat dẫn lời ông Cho đề nghị.

Hàn Quốc tập trận trên đảo tiền tiêu

Ngày 26.1, quân đội Hàn Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật trên 2 đảo Baengnyeong và Yeonpyeong ở Hoàng Hải, gần biên giới biển đang tranh cãi với CHDCND Triều Tiên. AFP dẫn lời giới chức cho hay cuộc tập trận kéo dài 2 giờ, sử dụng pháo tự hành K-9, pháo Vulcan và một số vũ khí khác. Ngay sau đó, hãng thông tấn KCNA dẫn lời giới chức CHDCND Triều Tiên cáo buộc miền Nam khơi mào “cơn sốt chiến tranh” và chỉ trích cuộc tập trận nhằm thử nghiệm “tấn công lãnh thổ nước này”.

Hồi tháng 11.2010, ngay sau một cuộc tập trận của Hàn Quốc tại Yeonpyeong đã xảy ra đấu pháo giữa 2 miền Triều Tiên làm 4 người chết. Cùng ngày, giới chức Hàn Quốc cho hay vào tháng tới nước này định mở một trung tâm thu thập tất cả thông tin về miền Bắc. Theo Yonhap, nguồn tin bao gồm các bài báo, thông cáo báo chí của các tổ chức quốc tế.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.