"Con báo” giữa sa mạc

14/07/2011 14:30 GMT+7

(TNTS) Cuối tháng 6.2011, Hội đồng An ninh Liên bang Đức trong một cuộc họp kín vừa đồng ý bán hơn 200 chiếc tăng loại Leopard 2A7+ cho Ả Rập Xê Út. Quyết định này gây nên nhiều ý kiến ngược chiều từ nhiều đảng phái tại Đức, kể cả trong nội bộ đảng Dân chủ Tự do (FDP) cầm quyền.

Hiện chưa rõ quyết định nêu trên sẽ được thực thi ra sao, nhưng nguồn tin từ một số quan chức của Chính phủ Đức cho biết ít nhất 44 chiếc Leopard 2A7+ đã được bán cho Ả Rập Xê Út, theo tạp chí Spiegel. Đồng thời Spiegel nhấn mạnh: như vậy Chính phủ Đức đã từ bỏ chính sách không bán vũ khí hạng nặng cho Ả Rập Xê Út từ hàng chục năm qua. Riyadh quan tâm đến tăng Leopard từ đầu những năm 1980, nhưng khi đó Chính phủ Đức của ông Helmut Schmidt đã từ chối vì quan ngại sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh của Israel. Cần nhắc lại vào thập niên 1980, Ả Rập Xê Út là một trong những nước đứng đầu trong liên minh chống Israel của cộng đồng các quốc gia Ả Rập.

"Con báo” giữa sa mạc 1

Tuy vậy, giờ đây diễn biến chính trị đối ngoại tại Trung Đông đang thay đổi khá nhiều. Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran (1979), Mỹ đã tìm kiếm đồng minh tại vùng Vịnh. Và Ả Rập Xê Út là sự chọn lựa hàng đầu, bởi từ những năm 1930 các hãng Standard Oil và Texas Oil của Mỹ đã khai thác dầu mỏ tại đất nước này. Mối quan hệ kinh tế giữa Washington và Riyadh có thể nói là khá bền chặt, có truyền thống.

 

Thông số kỹ thuật của Leopard 2A7+

Dài (nòng pháo quay theo hướng 12 giờ): 10,97m
Rộng: 4m
Cao: 2,54m
Động cơ: 1.500 mã lực
Vận tốc 72 km/giờ
Bán kính hoạt động: 450 km
Vũ khí: Pháo 120 ly loại L55
Đại liên 12,7 ly
Súng máy đồng trục loại 7,62 ly
Có thể tiêu diệt mục tiêu từ khoảng cách 2.500m
Tổ lái: 4 người

Bên cạnh đó, Hoàng gia Ả Rập Xê Út cũng quan tâm đến quan hệ với Mỹ vì lo ngại Cách mạng Hồi giáo tại Iran sẽ tác động tiêu cực đến cộng đồng người thiểu số Shite ở khu vực phía đông nước này, nơi có nhiều mỏ dầu đang được khai thác. Kết quả là vào năm 1980, theo thỏa thuận giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út, gần 30 nghìn lính Mỹ có mặt trên lãnh thổ vương quốc Hồi giáo này.

Với sự có mặt của Mỹ, quân đội Ả Rập Xê Út thay đổi nhanh chóng. Vương quốc này còn hình thành cả ngành công nghiệp quốc phòng. Vào năm 1981, Mỹ đồng ý bán 5 chiếc máy bay AWACS trị giá hàng tỉ USD dùng để do thám và chỉ huy từ trên không. Trong thời gian Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1990), theo yêu cầu của Quốc vương Fahd, 200 nghìn lính Mỹ được trang bị đến tận răng đã có mặt tại Ả Rập Xê Út.

Sau sự kiện 9.11.2011, Mỹ và NATO tiến hành cuộc chiến ở Afghanistan, thì mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út càng sâu sắc hơn. Trong bối cảnh ấy, rất khó để mà Riyadh mạo hiểm chống lại Israel. Hơn thế, cả Ả Rập Xê Út và Israel đều có chung mối lo ngại. Đó là sự trỗi dậy của Iran và lực lượng Hezbollath. Đấy là chưa kể sau khi Mỹ rút quân khỏi Iraq, nhiều khả năng người Shite chiếm đa số tại đây sẽ cầm quyền và sẽ chịu ảnh hưởng từ nước láng giềng Iran. Xuất phát từ bối cảnh như hiện nay, không ít nhà quan sát Đức cho rằng những chiếc tăng Leopard mới sẽ không đe dọa an ninh của Israel mà giúp Ả Rập Xê Út bảo vệ mình trước "hiểm họa" đến từ Iran (!?).

Ngược lại, một số chính khách Đức cho rằng chính phủ của mình đã có chính sách không nhất quán. Tổng thư ký đảng Dân chủ Xã hội đối lập - SPD, bà Andrea Nahles nói: "Hợp đồng bán xe tăng Leopard cho Ả Rập Xê Út không mang lại lợi ích cho chính sách đối ngoại dân chủ". Theo bà Andrea Nahles, Ả Rập Xê Út nằm trong tâm điểm vùng "nóng" và không nên "đổ thêm dầu vào lửa".

"Con báo” giữa sa mạc 2
Xe tăng Leopard 2A7+ - Ảnh: 2.bp.blogspot.com

Một thành viên khác của SPD - ông Rolf Mutzenich, nói Berlin không nên bán xe tăng cho Riyadh, bởi chính quyền độc tài ở đây có thể dùng loại vũ khí này để trấn áp người dân biểu tình. Còn Chủ tịch đảng Xanh của Đức bà Claudia Roth gọi hợp đồng mua bán vũ khí này là "thảm họa trong chính sách đối ngoại của Đức". Kết quả là cả đảng Xanh và SPD yêu cầu đưa vấn đề này ra thảo luận tại Quốc hội Đức. Phe đối lập còn nhắc đến việc cách đây không lâu Ả Rập Xê Út đã đưa quân trợ giúp Bahrain trấn áp người biểu tình đòi dân chủ tại nước này.

Trong khi đó Bộ trưởng Ngoại giao Đức - Guido Westerwelle, nói: Hội đồng An ninh Liên bang Đức (bao gồm thủ tướng, phó thủ tướng, một số bộ trưởng chủ chốt) đã xem xét nghiêm túc hợp đồng với Ả Rập Xê Út và không chỉ tính đến "lợi nhuận từ góc độ kinh tế mà còn cả trách nhiệm xã hội", trong đó có tính đến "lợi ích của Israel".

"Con báo” giữa sa mạc 3
Bên trong chiếc Leopard

Tựu trung, dù phe đối lập phản đối khá mạnh mẽ, nhưng nhiều khả năng hợp đồng sẽ được thực hiện. Bởi nếu Đức không bán "Leopard" cho Ả Rập Xê Út, thì quốc gia khác sẽ tranh phần "béo bở" này. Trước đó vào năm 2010, vương quốc Hồi giáo này đã có ý định mua "Leopard" từ hãng Santa Barbara (Tây Ban Nha) trực thuộc Tập đoàn General Dynamics của Mỹ. Tuy nhiên vụ việc không thành vì các tập đoàn sản xuất vũ khí của Đức phản đối quyết liệt. Còn vào năm 2007, Ả Rập Xê Út đã mua của Nga 180 chiếc tăng T-90.

Trong tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động và tăng trưởng thấp thì nguồn lợi bán vũ khí sẽ giúp Chính phủ Đức giải quyết được nhiều bài toán. Trong vòng 11 năm qua, dù đảng nào cầm quyền, xuất khẩu vũ khí của Đức liên tục tăng trưởng và tăng gấp hai lần trong khoảng thời gian này. Vũ khí xuất khẩu của Đức chủ yếu là xe tăng và tàu ngầm. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm - SIPRI, hiện Đức đứng thứ ba về xuất khẩu vũ khí sau Mỹ (chiếm 30% tổng lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới) và Nga (23%).

Ngữ Tử Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.