Cần làm rõ trách nhiệm khi chậm ứng phó thiên tai

15/08/2012 03:25 GMT+7

Dự thảo luật Phòng, tránh thiên tai lần đầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tại phiên họp sáng 14.8 vẫn chưa làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc chậm trễ ứng phó với thảm họa thiên tai gây thiệt hại tính mạng, tài sản người dân.

Không tán thành phí điều tiết điện lực

>> Tuyên truyền ứng phó với giông, lốc xoáy
>> Bộ Quốc phòng sẵn sàng lực lượng ứng phó bão số 4
>> Giúp người khuyết tật ứng phó với thiên tai

Theo nhận xét của các Ủy viên TVQH thì các quy định phân công trách nhiệm phòng chống thiên tai ở trong luật vẫn còn chung chung, chưa rõ các khâu chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra thiên tai nhưng chậm ứng phó, ứng cứu. “Ở một số nước khác chỉ chậm ứng phó với thiên tai thì tỉnh trưởng đã có thể bị cách chức, còn tại Việt Nam dự báo sai, chỉ đạo sơ tán dân chậm trễ gây thiệt hại không nhỏ cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói và nhấn mạnh. “Phải xác định rõ cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu tổ chức với việc phòng chống thiên tai”.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu cuối phiên họp cũng lưu ý cần đưa vào luật chế tài nghiêm ngặt về chế độ trách nhiệm.

Cùng ngày, thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Điện lực, Ủy ban TVQH chốt lại đề xuất không tán thành quy định về phí điều tiết điện lực như đề xuất của ban soạn thảo.

Tại phiên họp, đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo luật vẫn muốn bảo lưu quy định thu phí điều tiết điện lực vì cho rằng, hoạt động của Cục điều tiết điện lực ngoài trách nhiệm quản lý nhà nước còn là dịch vụ công. Hiện Cục này đang trực thuộc Bộ Công thương nhưng tương lai sẽ tách thành cơ quan độc lập để đảm bảo khách quan minh bạch trong giám sát giá điện trên thị trường, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị phải xác định rõ lý do thu phí, việc quy định mức phí này ảnh hưởng thế nào đến hoạt động kinh doanh cũng như đời sống của các đối tượng trong xã hội. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị không nên thu phí điều tiết điện lực, vì đó là nhiệm vụ của nhà nước, phải do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Qua thảo luận, TVQH cũng không tán thành với nội dung định giá phân phối điện trong luật vì cho rằng quy định như vậy sẽ không đảm bảo tính cạnh tranh thực sự của thị trường điện lực, nhất là trong bối cảnh tính độc quyền của ngành điện vẫn còn cao như hiện nay.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.