40 năm trước, bom rơi trên Hà Nội...

13/10/2012 07:46 GMT+7

Những ngày tưởng dài vô tận năm 1972 đợi và vượt qua B52 để kết thúc chiến tranh ở miền Bắc được tái hiện qua triển lãm Hà Nội - những ngày đêm năm 1972.

Khẩu hiệu diệt Nixon vẫn còn trên tường ngôi nhà xung quanh ngổn ngang đổ nát. Áp phích nguyên màu mực in minh họa tội ác của chiến dịch dội bom 12 ngày đêm, trong đó, em bé nằm trong thúng trở thành mục tiêu tìm diệt của siêu pháo đài bay. Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tục khám chữa bệnh nhân sau trận bom rải thảm. Một Hà Nội vắng người với kẻ đi sơ tán, người ở lại chống Mỹ.  

Trong cái nhìn ấy, những ngày 1972 không mang sắc thái một cuộc đối mặt siêu chênh lệch lực lượng nhưng vẫn thấy rõ ý chí dân tộc. Trả lời phỏng vấn, người dân thậm chí còn cho biết do máy bay đánh như cơm bữa nên ông cùng người thân còn không thèm xuống hầm trú bom ẩm ướt. Thấy rõ trong chiến tranh, cũng có trạng thái tâm lý “một ngày lạ thành quen”…

 40 năm trước, bom rơi trên Hà Nội...

40 năm trước, bom rơi trên Hà Nội... 1
Một số bức ảnh tại triển lãm - Ảnh: Trung tâm văn hóa Pháp cung cấp

Triển lãm ảnh Hà Nội - những ngày đêm năm 1972 diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội bắt đầu từ 11.10. Tư liệu triển lãm có từ các nguồn: TTXVN, Bảo tàng Phòng không - không quân, Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương, Viện Nghe nhìn quốc gia Pháp, Cục Thông tin và sản xuất nghe nhìn La Défense, Trung tâm lưu trữ ngoại giao La Courneuve. Ngoài ra, có tư liệu tư nhân do ông Jean-Marc Gravier, ông Alain Wasmes, ông Nicolas Cornet, ông Chu Chí Thành cung cấp. Triển lãm do TS Olivier Tessier (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) cùng các nhà báo Đào Thanh Huyền, Đặng Đức Tuệ sưu tầm và thực hiện.

Cũng trong cái nhìn cân bằng về cuộc chiến, hoàn cảnh bất thường của chiến tranh càng khiến người xem đồng cảm hơn. Sự bất thường đó được mô tả qua những sự kiện cụ thể. Chiến dịch Linebacker với những cuộc ném bom phá hủy hạ tầng, cắt đứt viện trợ, chia cắt giao thông. Hình ảnh cầu Long Biên bị phá được chụp từ nhiều góc độ, kể cả từ trên cao.

Những ngày năm 1972 trong triển lãm bắt đầu sớm hơn và kết thúc cũng muộn hơn giới hạn thời gian của năm ác liệt đó. Bởi sự bội tín của người Mỹ với “nền hòa bình trong danh dự” cũng được các nhà sử học, nhà báo Pháp - Việt thể hiện rõ trong trưng bày. Ảnh báo chí chiến tranh thực sự phô diễn sức mạnh qua triển lãm - điều hầu như những triển lãm ảnh báo chí đương đại ít làm được. 

Ngay từ buổi sáng 11.10, khi chưa tới giờ cắt băng khai mạc, phòng trưng bày đã có nhiều người xem. Trong đó, nhiều người đến để chụp tư liệu. “Tôi rất cần những ảnh tư liệu quý này để sử dụng trong công việc làm phim tài liệu của mình”, một biên tập viên của Đài truyền hình Việt Nam cho biết. Sau đó, ông quay sang tiếp tục chụp tấm ảnh Hà Nội sau Hiệp định Paris. Hòa bình đã lập lại trên miền Bắc, trong khi tại miền Nam phải tới 1975 mới có. Nhưng, những chia sẻ qua tư liệu hình và phỏng vấn cho thấy, lòng người Hà Nội tràn niềm tin. Phơi phới như tinh thần bài ca Hà Nội niềm tin và hy vọng phát ra từ đoạn phim tư liệu về thủ đô được phát liên tục trong sảnh triển lãm.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.