Bức xúc việc bỏ ân hạn thuế

16/10/2012 03:05 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sẽ không thể tồn tại nếu bỏ quy định về ân hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu.

Bức xúc việc bỏ ân hạn thuế
Quy định phải nộp thuế ngay cho nguyên liệu nhập khẩu đang khiến doanh nghiệp rất lo lắng - Ảnh: D.Đ.M

Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Quản lý thuế đang được triển khai góp ý, dự kiến bỏ quy định ân hạn nộp thuế nhập khẩu nguyên vật liệu 275 ngày như hiện nay. Thay vào đó, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu vật tư nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng (TCTD), thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày với điều kiện trong thời hạn bảo lãnh không bị phạt chậm nộp thuế. Quy định này đang gây bất an lẫn bất bình trong cộng đồng DN xuất khẩu.

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), nếu không còn được ân hạn thuế và phải được TCTD bảo lãnh thì hạn mức tín dụng của các DN thủy sản sẽ giảm 20-40%, đồng nghĩa với việc giảm doanh thu/kim ngạch xuất khẩu 20-40%, lao động trực tiếp có nguy cơ phải giảm với tỷ lệ tương ứng. Trước đó, VASEP đã có công văn gửi Bộ Tài chính kiến nghị bỏ quy định trên và tiếp tục áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan có văn bản trả lời không chấp thuận với lý do: Đã có tình trạng lợi dụng chính sách ân hạn thuế để chây ì nợ thuế, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể…

Quy định ân hạn thuế 275 ngày gây bất lợi cho hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng nhập khẩu, không khuyến khích tiêu dùng hàng nội địa. Kinh nghiệm các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Campuchia, Lào… đều quy định phải nộp thuế trước khi thông quan. Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh: “Phí bảo lãnh không cao, DN có thể sử dụng L/C của các lô hàng kế tiếp làm tài sản bảo lãnh và không phát sinh thêm tài sản ký quỹ”.

Doanh nghiệp mất khả năng cạnh tranh

Không đồng tình với giải thích của Tổng cục Hải quan, hôm qua 15.10, VASEP đã triệu tập các DN thành viên để bày tỏ bức xúc. Theo VASEP, 4 ngành hàng xuất khẩu hàng đầu VN hiện nay là dệt may, da giày, thủy sản, điện tử đang thiếu nguyên liệu chế biến từ 30-80% (tùy ngành hàng) và phải phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Việc quy định phải nộp thuế ngay với thuế suất nhập khẩu nguyên liệu thủy sản 5%,  hoặc phải có bảo lãnh của TCTD sẽ khiến hạn mức vay vốn bị cắt bớt. Chưa kể phí bảo lãnh 2-3% hoặc lãi vay tiền ngân hàng để nộp thuế trước sẽ tạo thêm chi phí hàng trăm tỉ đồng/năm cho DN, giá thành cũng sẽ tăng từ 3-10% tùy ngành hàng, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa VN.

Ông Phạm Xuân Nam, TGĐ Công ty TNHH Hải Vương, bức xúc: “Nếu chính sách này thông qua thì công ty chúng tôi chết đầu tiên, vì đến nay chúng tôi sản xuất và xuất khẩu phần lớn dựa vào nguyên liệu nhập khẩu. Nếu phải đóng thuế trước thì DN không còn vốn để hoạt động, trong khi kinh nghiệm bao lâu nay của tôi cho thấy thời gian từ lúc mở tờ khai đến lúc hoàn thuế phải mất nhanh nhất là 6 tháng, còn trung bình thì 7-8 tháng. Người soạn thảo ra quy định này hết sức xa rời người nộp thuế. Họ nghĩ đơn giản là phí bảo lãnh thấp, nhưng thủ tục hiện nay hết sức rườm rà, dẫn đến phát sinh tiêu cực trong việc hoàn thuế, trong việc bảo lãnh”.

Đại diện Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) cũng cho biết trong những tháng qua đã liên tục có văn bản kiến nghị đến Chính phủ đề xuất tiếp tục cho phép các DN được hưởng chính sách ân hạn thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Vitas, nếu bỏ chính sách ân hạn thuế sẽ ảnh hưởng nặng đến các DN dệt may làm FOB (DN trực tiếp mua nguyên vật liệu và bán thành phẩm).

Trong khi ngành dệt may VN đang khuyến khích các DN chuyển từ gia công sang sản xuất FOB và hiện giá trị sản xuất hàng FOB đã chiếm đến 70 -80% trị giá kim ngạch xuất khẩu của ngành. Theo tính toán của Vitas, việc bỏ ân hạn thuế sẽ làm giá thành tăng từ 8% (đối với trường hợp ngân hàng bảo lãnh) đến 16% (trường hợp vay tiền nộp thuế nhập khẩu).

Một năm kim ngạch xuất khẩu của cả ngành dệt may khoảng 16 tỉ USD thì khoản phí bảo lãnh cho toàn ngành có thể lên tới 700-800 triệu USD/năm. Sẽ rất lãng phí nếu như toàn bộ số thuế nhập khẩu 12% đối với nguyên liệu dệt may DN phải nộp ngay rồi lại chờ cả năm sau mới được hoàn thuế.

Quang Thuần - Mai Phương

>> Doanh nghiệp thủy sản “lo” vì kiến nghị bỏ ân hạn thuế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.