Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Không giới hạn báo chí đưa tin tiêu cực

21/05/2013 17:51 GMT+7

(TNO) Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo giới bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng nay, 21.5 xoay quanh văn bản chỉ đạo số 2998 của Bộ gửi các tỉnh, thành về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013.

>> Gian lận thi cử ở Đồi Ngô chưa từng có trong lịch sử loài người
>> Vụ gian lận thi cử nghiêm trọng ở Bắc Giang: Đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ, giáo viên
>> Người cung cấp clip gian lận thi cử nói gì?
>> Thí sinh quay phim gian lận thi cử: Công hay tội?
>> Sẽ chấm dứt gian lận thi cử, bệnh thành tích và lối truyền đạt “thầy đọc, trò chép”

Văn bản này đề nghị Chủ tịch tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi cho đăng tải các thông tin nhạy cảm như lộ đề thi, tiêu cực trong kỳ thi...

* Thưa Bộ trưởng, dư luận đang băn khoăn không rõ văn bản của Bộ đề nghị “Chủ tịch các tỉnh chỉ đạo các cơ quan truyền thông” ở đây là “chỉ đạo” theo hướng nào?

- Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chỉ đạo là trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tin để tránh việc nghe một cái là đăng, đăng không đúng. Ý nói là trước khi anh đăng, hoặc nghe thông tin như học sinh nói có lộ đề Toán, Lý thì mình trao đổi với các cơ quan xem thông tin như thế có đúng không. Cân nhắc đúng rồi thì các bạn đăng, chứ đừng có nghe phản ánh là đăng mà không thẩm tra. Như vừa rồi, có những thông tin công bố có đúng đâu, như thông tin bảo lộ đề nhưng cuối cùng thẩm tra không phải.

Nội hàm của nội dung công văn là đề nghị chỉ đạo các cơ quan thông tin trao đổi với nhà trường, công an, Bộ để phối hợp điều tra khi phát hiện thông tin liên quan tiêu cực thi cử. Khi có căn cứ thì hãy đưa tin. Trao đổi kỹ, thẩm định đúng rồi thì đưa tin.

* Nhưng với chỉ đạo “ngắn gọn” như nội dung văn bản của Bộ thì rất có thể dẫn tới máy móc trong áp dụng của các vị Chủ tịch tỉnh và ảnh hưởng đến vai trò chủ động của báo chí?

- Vai trò chủ động là báo chí. Nếu cơ quan liên quan không phối hợp thì báo chí công bố luôn thông tin cơ quan đó không phối hợp. Chúng tôi hoan nghênh báo chí phản ánh thông tin tiêu cực, như vụ Đồi Ngô (Bắc Giang - PV) chẳng hạn. Các bạn có chứng cớ đúng rồi là thông tin. Nhưng với các vụ việc chưa xác minh được thì không nên, mà cần trao đổi cho kỹ để có đúng thông tin.

Chúng tôi còn khuyến khích học sinh mang cả máy quay để cung cấp chứng cớ nếu thấy có tiêu cực. Không có giới hạn gì cả với báo chí. Thậm chí nếu phản ảnh với trường, Bộ, chỗ nào nhận tin mà không xử lý thì đăng luôn. Qua đó tạo sức ép xã hội đấu tranh tiêu cực.

* Nhưng với những sự kiện mang tính chất thời sự đang được dư luận quan tâm mà chờ đủ thẩm định của các cơ quan sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý?

- Có gì vội đâu trong việc xử lý? Anh đã có chứng cứ thì chỉ một ngày sau, hai ngày sau, có mất gì đâu? Còn nếu sau một ngày không thể xác minh được nữa thì đấy là chúng ta phải rút kinh nghiệm về nghiệp vụ. Còn anh đưa ngay lên, sau này không phải thì tạo cú sốc bất lợi.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.