Thông tin trên Báo Thanh Niên vào đề thi

03/06/2013 03:00 GMT+7

Đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 có một câu trích dẫn từ nguồn tin về gương dũng cảm đăng trên Báo Thanh Niên .

Đề mang tính thời sự, nhân văn

 

Trong phần văn nghị luận xã hội, câu 2 của đề thi yêu cầu: “Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau: Chiều ngày 30.4.2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường THPT Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ 5 vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi” (Theo Khánh Hoan, Thanh Niên Online, ngày 6.5.2013).

 Thí sinh hài lòng với đề thi môn văn trong ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh hài lòng với đề thi môn văn trong ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT
- Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Toàn bộ các câu trong đề thi hoàn toàn phù hợp với phạm vi kiến thức mà Bộ quy định trong năm học.

Câu 1 thuộc phần văn học nước ngoài. Câu này không hỏi theo kiểu quen thuộc, tái hiện kiến thức một cách đơn giản mà liên quan đến một chi tiết nghệ thuật đòi hỏi thí sinh (TS) phải nhớ, phải hiểu văn bản mới có thể trả lời được. Ngoài ra, câu trả lời còn thể hiện mức độ sâu sắc của từng TS.

Câu 2 thuộc phần nghị luận xã hội, yêu cầu TS phát biểu suy nghĩ của mình về một sự việc người thật, việc thật được thông tin trên Thanh Niên Online: Em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 còn một tháng nữa đến kỳ thi tốt nghiệp nhưng đã dũng cảm, vị tha, không hề tính toán mà cứu người và hy sinh. Đó là một hành động đẹp không phải ai cũng có thể làm được. Một hành động như thế chắc chắn là gây nhiều suy nghĩ và xúc động cho mọi người, nhất là cho những học sinh lớp 12, cùng lứa tuổi với Nam. Đề thi đề cập đến một hành động như thế vừa mang tính thời sự, tính nhân văn vừa có tính giáo dục cao. Đề thi cũng đồng thời có tính sư phạm, phù hợp với trình độ kiến thức, kỹ năng của TS. Đồng thời cũng có tính phân loại vì bài làm cũng sẽ cho thấy trình độ khác nhau giữa các TS khi viết bài, bố cục và trình bày ý tưởng.

Câu 3a và 3b thuộc phần nghị luận văn học. Hai câu tuy có phân biệt theo chương trình chuẩn và nâng cao nhưng tác phẩm được chọn thuộc phần giao thoa của hai chương trình nên nhìn chung TS được thuận lợi trong việc chọn đề để làm.

Câu 3a liên quan đến một nội dung thuộc phần trọng tâm của tác phẩm Vợ chồng A Phủ mà chắc chắn học sinh nào cũng được thầy cô trình bày kỹ. Do đó, đề thi cơ bản không khó, không đánh đố TS. Tuy nhiên, để làm tốt được đề bài này, TS chẳng những phải nhớ nhiều, nhớ kỹ, tái hiện chính xác về kiến thức mà còn phải có kỹ năng diễn đạt rõ ràng; gợi hình gợi cảm; bố cục mạch lạc; phải có nhận xét đánh giá về nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tài tình, sống động và chân thật của tác giả.

Câu 3b liên quan đến nội dung thuộc phần trọng tâm của tác phẩm Đất Nước. Đây cũng là một nội dung không xuất hiện nhiều năm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cho nên, được sự chú ý đặc biệt của nhiều thầy cô khi ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp. Đề thi do đó không quá mới lạ đối với TS, nhất là dạng phân tích một đoạn thơ thì rất quen thuộc đối với các em. Tổ quốc và tình cảm của con người đối với đất nước luôn là những vấn đề thiêng liêng, sâu nặng. Do đó, đề thi cũng có tính thời sự, tính giáo dục. Đề thi này đồng thời cũng có tính phân loại để đánh giá trình độ các TS. Để đạt được kết quả tốt, TS phải thể hiện được trong bài làm của mình nhận xét, đánh giá đúng đắn về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Ngoài ra, TS phải thể hiện được kỹ năng xây dựng bài làm có bố cục rõ ràng, mạch lạc; diễn đạt ý tưởng chính xác, có hình ảnh và có cảm xúc.

Nói chung, đây là một đề thi tốt, phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT, có tính giáo dục, tính sư phạm và tính phân loại.

Nguyễn Hữu Dương - Phan Thị Thanh
(Giáo viên Trung tâm luyện thi Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Gắn liền hơi thở cuộc sống

“Là một câu hỏi gây chú ý dù đề tài về lòng dũng cảm không mới nhưng cách thức ra đề lại mới. Nội dung của bài nghị luận xã hội không còn lấy một câu nói mà thay bằng câu chuyện có thật, gắn liền với hơi thở của cuộc sống”.

Lưu Bích Hoài Thêm - giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM

Phát huy tối đa hiệu quả văn nghị luận

“Ở câu 2 trong phần chung (nghị luận xã hội), đề năm nay thuộc về nghị luận một hiện tượng đời sống. Đề thi rất nóng bỏng, cập nhật tin tức của xã hội. Câu chuyện cảm động của em Nguyễn Văn Nam xảy ra cách ngày thi hơn một tháng đã thật sự phát huy tối đa hiệu quả của văn nghị luận xã hội”.

Hồ Hoài Khanh - giáo viên Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM

Hướng học sinh đến sự bao dung

“Câu 2 là dạng đề mở và rất hay, mang tính thời sự, nên các em có thể bàn luận theo suy nghĩ của mình một cách dễ dàng. Đề hướng học sinh đến sự bao dung, một bài học khá bổ ích cho thí sinh chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới”.

Trần Văn Vụ - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn - Đà Nẵng

M.Luân - B.Thanh - D.Hiền
(tổng hợp)

Thí sinh không quan tâm đến máy ghi âm, ghi hình

Theo ghi nhận của Thanh Niên, phần lớn thí sinh đều tỏ ra không mặn mà với việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.

Mang chỉ thêm phiền !

Điểm mới nhất và được dư luận đặc biệt quan tâm trong kỳ thi năm nay là việc Bộ cho phép TS mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi. Tuy nhiên, hầu hết TS cho biết không quan tâm đến vấn đề này mà đều tập trung làm bài. Theo nhận định ban đầu, không thấy có việc TS quay phim hay ghi hình.

TS ở hội đồng thi THPT Marie Curie (Hải Dương) bị đoàn kiểm tra phát hiện giấu tài liệu dưới chỗ ngồi
TS ở hội đồng thi THPT Marie Curie (Hải Dương) bị đoàn kiểm tra phát hiện giấu tài liệu dưới chỗ ngồi - Ảnh: T.Nguyên

 

Hơn 99% TS dự thi

Số TS đến dự thi: 942.975, đạt 99,67% so với tổng số TS đăng ký dự thi. Trong đó: GD THPT: 852.214, đạt 99,75%; GD TX: 90.761, đạt 98,97%.

(Nguồn: Bộ GD-ĐT)

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Ngoài 3 trường hợp mang điện thoại di động vào phòng thi và bị lập biên bản đình chỉ thi; không phát hiện trường hợp nào mang thiết bị trái quy định vào phòng thi”. Còn ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương, cho hay: “Ngày thi đầu tiên không thấy có TS nào mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi”.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng, phía sở ghi nhận không có trường hợp nào vi phạm việc mang máy ghi âm, ghi hình. Ông Hà Thanh Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng cho biết: “Không có trường hợp nào mang theo các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi”.

Nguyễn Lê Nam, TS ở Đồng Tháp, nói: “Em chỉ biết mang theo những vật dụng cần thiết để phục vụ làm bài mà thôi. Thời gian thi mỗi môn không dư gì nhiều. Mang theo máy ghi âm, ghi hình chỉ thêm phiền. Nhiều bạn của em cũng đồng quan điểm này”. Ông Nguyễn Văn Ríp, cán bộ coi thi tại hội đồng thi Trường Thiều Văn Chỗi (H.Kế Sách, Sóc Trăng), nói: “Các em chỉ chú tâm làm bài và không nhắc đến chuyện máy ghi âm, ghi hình gì cả”. Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau Lê Quang Hảo, TS ở Cà Mau dường như không mặn mà trước thông tin được phép mang vào phòng thi máy ghi âm, ghi hình.

Trường mong Bộ “thông cảm, bỏ qua”

Hôm qua, 10 đoàn kiểm tra của Bộ đã đi các địa phương để giám sát kỳ thi.

Đoàn kiểm tra do ông Nguyễn Công Hinh, Phó trưởng ban Chỉ đạo thi quốc gia dẫn đầu đã giám sát kỳ thi tại Hải Dương. Cùng đi với đoàn, ghi nhận của PV Thanh Niên cho thấy, đoàn đã đến những hội đồng thi bất kỳ mà không hề có sở GD-ĐT địa phương "dẫn đường".

Trong buổi thi môn văn, tại hội đồng thi Trường THPT dân lập Marie Curie, nơi có ít TS dự thi nhất toàn tỉnh (với 66 TS và 3 phòng thi), do kiểm tra bất ngờ và trực tiếp tại các phòng thi, đoàn kiểm tra đã phát hiện một TS mang phao thi dưới dạng “ruột mèo” vào phòng thi và để ngay dưới ghế ngồi. Đoàn đã yêu cầu giám thị và hội đồng thi lập biên bản và xử lý theo đúng quy chế.

Có mặt tại hội đồng coi thi với tư cách là phó chủ tịch hội đồng coi thi, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Marie Curie tỏ ý mong đoàn kiểm tra “thông cảm, bỏ qua” cho hành vi sai phạm của TS này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hinh yêu cầu phải xử lý nghiêm túc theo đúng quy chế.

Đoàn công tác của Bộ do ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra dẫn đầu đã tới kiểm tra thi tại Ninh Bình. Tại hội đồng thi THPT Trần Hưng Đạo ở huyện Hoa Lư, đoàn kiểm tra của Bộ đã phát hiện máy photocopy của trường sở tại không được niêm phong, đặt trong một phòng thiết bị cũng không được niêm phong. Theo giải thích của một phó chủ tịch hội đồng thi (là lãnh đạo của trường sở tại), sở dĩ phòng chứa máy photocopy này không được niêm phong vì là nơi nghỉ ngơi buổi trưa cho một số nhân viên phục vụ hội đồng thi. Còn máy photocopy không được niêm phong là do không cần thiết (máy đang bị tắc giấy).

T.Nguyễn - Q.M.Nhật - B.Thanh - H.Sơn - L.Đ.Ngọc

 

Nhan nhản “phao thi”

Sở GD-ĐT Hà Nội đánh giá buổi thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn diễn ra an toàn và không có bất thường. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Thanh Niên, hết giờ thi, là lúc “phao thi” xuất hiện tại nhiều hội đồng thi ở ngoại thành Hà Nội gồm hội đồng thi các trường THPT: Tân Lập (H.Đan Phượng); Thượng Cát (H.Từ Liêm); Phùng Khắc Khoan (H.Thạch Thất)...

Những chỗ nhiều “phao thi” nhất là quán nước ở cổng trường, bụi cây ven đường. Thậm chí ngay trên đường qua cổng trường, ở đường cái lớn cũng ngập đầy phao thi môn ngữ văn.

Không ít TS hân hoan khoe thành tích chép được hết vì... giám thị coi dễ. Nhưng cũng nhiều sĩ tử than ngắn thở dài đồ đoán mình chỉ được chừng 3 - 4 điểm môn này vì mang tài liệu nhưng không tìm thấy bài giải trong phao thi mang vào phòng để chép. Tại hội đồng thi ở Trường THPT Phùng Khắc Khoan nhiều TS còn đứng xem lại phao thi ngay trước cổng trường để kiểm tra xem mình có chép đúng không.

Nguồn tin của Thanh Niên tại Bắc Giang cho biết, kết thúc buổi thi môn ngữ văn, cũng phát hiện phao thi gần cồng Trường THPT dân lập Đồi Ngô (H.Lục Nam, Bắc Giang).

“Phao thi” rải trắng trước cổng hội đồng thi Trường THPT Tân Lập (H.Đan Phượng, Hà Nội)
“Phao thi” rải trắng trước cổng hội đồng thi Trường THPT Tân Lập (H.Đan Phượng, Hà Nội) - Ảnh: Đan Hạ

Tại hội đồng thi Trường THPT thị trấn Cẩm Xuyên (Nghệ An) “phao thi” rải trắng từ trong sân trường ra đến cổng trường, vào tận các ngả đường, con hẻm nhỏ. Đặc biệt vẫn tồn tại tình trạng nhiều TS cầm “phao thi” trên tay, đi từ phía trong khu vực thi ra bên ngoài cổng trường. Có TS còn cười hả hê, nói đã quay cóp được tài liệu môn ngữ văn nên làm bài tương đối tốt. Sau giờ làm bài môn ngữ văn, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại hội đồng thi Trường THPT Phan Bội Châu và Duy Tân (Quảng Nam) xuất hiện nhiều “phao thi” vứt trên vỉa hè.

Đan Hạ - Tùng Lâm - H.Sơn - K.Hoan

Học sinh phấn khởi

Đề thi môn ngữ văn năm nay lại tiếp tục nhận được phản hồi tích cực của dư luận. Đề thi môn hóa được đánh giá nhẹ nhàng.

Ông Hồ Hoài Khanh (Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM) đề ngữ văn năm nay có bố cục chặt chẽ, hợp lý, đánh giá được khả năng và phân loại TS. Ở câu 1 trong phần chung, đề yêu cầu tái hiện lại kiến thức văn học qua một chi tiết của truyện ngắn Thuốc (Lỗ Tấn). Đề yêu cầu không quá khó, không chú trọng vào việc TS phải học thuộc lòng. Nhưng nếu như TS không đọc và tìm hiểu tác phẩm thì cũng khó lấy được điểm tối đa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TP.HCM, cũng nhận xét: “Ở phần riêng (5 điểm), đề ra khổ thơ trọng tâm của bài Đất Nước. Đây là khổ thơ hay, TS đã được học kỹ ở trường”.

Ông Trần Văn Vụ, tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), nhận xét: “Câu 1 là kiến thức cơ bản, học sinh ôn tập trong chương trình đều có thể làm bài tốt câu này. Cả 2 phần của câu 3 đều là kiểu đề và tác phẩm quen thuộc. Nhưng nếu TS muốn làm tốt câu 3a thì cần phải nắm thực vững, thật sâu tác phẩm không đạt được điểm trọn vẹn bởi câu hỏi đặt ra trong đề thi là khá mới. Với câu 3b, đề đã chọn đoạn thơ hay nhất trong bài Đất Nước, nên TS có thể phân tích tốt. Đề thi năm nay rất hay, có ý nghĩa giáo dục tích cực, giúp TS nhìn nhận về lòng yêu nước”.

Tâm trạng của đại đa số TS sau 2 môn thi trong ngày thi tốt nghiệp đầu tiền là hết sức phấn khởi. Nhận định về đề thi môn văn, phần đông TS cho biết, đề thi không khó và dễ đạt điểm trên trung bình. Các TS rời phòng thi môn hóa với tâm trạng vui mừng. Theo nhận định chung của TS, đề thi môn hóa thì không khó, chỉ cần bám sát và học kỹ chương trình sách giáo khoa là có thể làm bài tốt.

Sẽ nhiều học sinh đạt điểm cao môn hóa

Với hơn 85% câu hỏi lý thuyết không phức tạp, còn lại là các bài toán đơn giản, học sinh chỉ cần học kỹ sẽ dễ đạt kết quả tốt. Ngoài những câu lý thuyết chỉ cần học thuộc bài, các câu bài tập là những bài toán nhỏ, chỉ cần một đến 2 phép tính đơn giản là dẫn đến kết quả. Hầu như không có câu nào đòi hỏi các phép tính toán phức tạp hoặc đòi hỏi nhiều bước tính. Đề thi năm nay nội dung hoàn toàn ở chương trình lớp 12, độ khó chỉ là những câu lý thuyết. Học sinh khá giỏi dễ dàng kiếm được điểm 10, số đạt điểm 6, 7 sẽ khá đông”.

Đặng Văn Thành - giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM

M.Luân - B.Thanh - D.Hiền - H.Giang - T.Nguyễn

 

 

Cổ vũ tinh thần sống đẹp

Ông Nguyễn Văn Điều, bố Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 Trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An), cho biết: “Dù rất đau buồn nhưng tui nghĩ, sự hy sinh của nó là không vô nghĩa. Tui tự hào về nó”.

Tự hào về Nam

Nhờ con gái truy cập mạng, ông Điều biết được đề thi môn văn có đề cập đến con ông. Ông rất xúc động vì gương hy sinh của Nam đã được xem như là biểu tượng cao đẹp của thanh niên về đức dũng cảm, sự hy sinh quên mình vì người khác.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hương, Hiệu trưởng Trường PTTH Đô Lương 1, nói bà bất ngờ về đề thi này và rất tự hào về em Nam. “Đề thi đã bám vào một sự kiện thời sự được Báo Thanh Niên thông tin, xảy ra với học sinh của trường nên bản thân tôi cảm thấy tự hào. Em Nam là một học sinh ngoan, học tốt, sự hy sinh của em đã gây xúc động rất lớn cho nhà trường, gia đình, bạn bè và thầy cô, là tấm gương xả thân quên mình rất đáng được trân trọng, tuyên dương. Việc Bộ quyết định đưa sự kiện này thành đề thi tự luận môn văn là rất ý nghĩa, có giá trị nhân văn cao nhằm cổ vũ tinh thần sống đẹp cho thanh niên”, bà Hương nói.


Thông tin về học sinh Nguyễn Văn Nam đăng trên Báo Thanh Niên

Nam hy sinh vào chiều 30.4. Thông tin này sau khi Thanh Niên và các báo khác phản ánh đã gây xúc động cho nhiều người. T.Ư Đoàn, Bộ GD-ĐT đã có bằng khen truy tặng Nam vì hành động dũng cảm này. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư khen ngợi và động viên gia đình em. Bức thư của Chủ tịch nước có đoạn: “Tôi vô cùng xúc động trước hành động dũng cảm quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Em là tấm gương sáng cho thanh niên cả nước học tập”.

Tấm gương dũng cảm của Nam đã được tuyên dương dưới cờ của Trường THPT Đô Lương 1, gây xúc động lớn trong học sinh của trường. Cái chết của Nam như một tấm gương sáng, là biểu tượng đẹp cho cách sống quảng đại, dám xả thân, hy sinh vì cộng đồng.

Như cùng đồng hành với bạn bè trong ngày thi

“Chúng em rất xúc động và tự hào về bạn của mình khi làm đề văn này”, đó là tâm sự của những bạn học cùng lớp 12T7 với Nam.

“Khi cầm đề trên tay, đọc đến câu 2, em rất bất ngờ. Em thật sự xúc động vì được gặp lại bạn mình, được bày tỏ cảm xúc về bạn. Em rất tự hào vì đã có người bạn tuyệt vời như thế. Trong bài làm, em viết rằng em rất khâm phục bạn Nam và tự hào về bạn ấy. Trong xu thế mà nhiều thanh niên đang chạy đua theo lối sống thực dụng, nhiều người tỏ ra vô cảm trước nỗi đau của người khác thì bạn Nam đã dám hy sinh mạng sống của mình để giúp đỡ người khác. Hành động dũng cảm này của bạn là rất đáng khâm phục. Trong cuộc sống, dù nhà nghèo nhưng bạn Nam rất ham học, tốt bụng, hay giúp đỡ bạn bè. Bạn Nam là người rất giàu lòng nhân ái, là tấm gương cho mọi người học tập”. Phan Thị Linh, bạn cùng lớp với Nam chia sẻ như vậy.

Nguyễn Phùng Thông, bạn cùng lớp, người cùng xã với Nam nói: “Em không phải là người giỏi văn, nhưng rất tự tin về câu này. Khi đọc đề xong, em làm câu này đầu tiên và viết rất với rất nhiều cảm xúc, rất tự hào về bạn nhưng cũng rất nhớ bạn ấy. Sau buổi thi, cả lớp gặp nhau và nói đều bất ngờ và tự hào về bạn Nam, ai cũng nói làm câu này đầu tiên”.

Khánh Hoan

THANH NIÊN

>> Gợi ý giải đề thi môn hóa
>> Gợi ý giải đề thi môn văn
>> Chủ tịch xã đi thi tốt nghiệp
>> 3 thí sinh bỏ thi tốt nghiệp vì tai nạn giao thông
>> Xúc động với thông tin học sinh quên mình cứu 5 em nhỏ vào đề thi tốt nghiệp
>> Nhiều suất cơm miễn phí cho TS đi thi tốt nghiệp
>> Sáng nay gần 950.000 thí sinh thi tốt nghiệp môn Văn
>> Thi tốt nghiệp THPT: Cách làm bài thi khôn ngoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.