Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 3: Cuộc cứu nạn bi tráng

15/08/2014 09:00 GMT+7

'Suốt cuộc đời binh nghiệp, tôi đã từng chủ trì nhiều cuộc tìm kiếm cứu nạn máy bay nhưng chưa có cuộc cứu nạn nào gian khổ và khó khăn đến vậy. Hai chiếc máy bay rơi chỉ cách nhau mấy ngày ở giữa rừng rậm nguyên sinh thăm thẳm heo hút', ông Lê Hải - Đội trưởng Đội cứu nạn thực địa trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay Yak 40 ở Ô Kha (Khánh Hòa) - nhớ lại.

“Suốt cuộc đời binh nghiệp, tôi đã từng chủ trì nhiều cuộc tìm kiếm cứu nạn máy bay nhưng chưa có cuộc cứu nạn nào gian khổ và khó khăn đến vậy. Hai chiếc máy bay rơi chỉ cách nhau mấy ngày ở giữa rừng rậm nguyên sinh thăm thẳm heo hút”, ông Lê Hải - Đội trưởng Đội cứu nạn thực địa trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay Yak 40 ở Ô Kha (Khánh Hòa) - nhớ lại.

Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 3: Cuộc cứu nạn bi tráng
Chị Lan, vợ cơ trưởng Vinh, trở lại hiện trường Ô Kha năm 2014 - Ảnh: Độc Lập

Thời tiết xấu, rừng già rậm rạp

Khi chiếc máy bay Yak 40 bị rơi ông Lê Hải đang là trợ lý của ông Nguyễn Hồng Nhị - Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng VN kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không.

Ông Hải nhớ lại: Sáng 14.11.1992, tổng hành dinh Tổng công ty hàng không ở TP.HCM nhận được tin chiếc Yak 40 xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất khi tới gần sân bay Nha Trang (Khánh Hòa) bị mất liên lạc kéo dài. Lúc này thời tiết ở Nha Trang rất xấu, mưa nhiều, sương mù dày đặc.

Nhận định có thể máy bay đã bị tai nạn trên đường đi, ngay lập tức Tổng công ty hàng không đã tổ chức một chuyến bay từ TP.HCM ra Nha Trang do ông Hải dẫn đầu. Đồng thời từ đầu Hà Nội, một chiếc máy bay do Tổng cục phó Tổng cục Hàng không dẫn đầu cũng nhắm Nha Trang cất cánh.

Khi nghe thông tin báo là chiếc máy bay Yak 40 mất tích khi cách sân bay Nha Trang chừng 10 phút bay, ban chỉ huy tìm kiếm lập tức khoanh vùng và cho máy bay trực thăng quần thảo những khu vực nghi ngờ máy bay mất tích.

“Trực thăng bay tìm kiếm suốt hai ngày nhưng không có kết quả. Thời tiết càng ngày càng xấu, mưa to và sương mù dày đặc cản trở việc tìm kiếm trên không. Lúc này phương án tìm kiếm trên bộ được đưa ra và được nhiều người trong ban chỉ huy tìm kiếm ủng hộ”, ông Hải nói.

Với phương án tìm kiếm trên bộ, sau khi tính toán, khoanh vùng thì khu vực miền núi thuộc H.Khánh Sơn (Khánh Hòa) được tập trung tìm kiếm nhiều nhất. Khu vực này cũng nằm trên đường bay từ TP.HCM đi Nha Trang. Hàng ngàn người thuộc các lực lượng bộ đội, công an, không quân và người dân địa phương tham gia cuộc tìm kiếm trên bộ.

Ông Hải nhớ lại: “Đến ngày thứ tám, thông tin báo về là một người dân sống ở gần ngọn núi Ô Kha trông thấy một chiếc máy bay lao ngang qua nhà họ nhưng lúc đó trời mưa to nên không nghe thấy gì nữa. Thông tin này chưa rõ ràng nhưng từ đó giúp đoàn tìm kiếm dần khoanh vùng chắc chắn chiếc máy bay rơi đâu đó trên ngọn núi Ô Kha”.

Tuy nhiên, lúc này việc mở đường lên tới đỉnh Ô Kha không hề đơn giản bởi đây là khu rừng nguyên sinh, cây cối dày đặc, cộng thêm thời tiết trời mưa suốt ngày. Đoàn tìm kiếm vẫn không nao núng, quyết tâm xẻ núi, mở đường lên bằng được đỉnh Ô Kha.

Đến 11 giờ của ngày thứ 8 tìm kiếm, trong khi chờ anh em trong đoàn nấu cơm, ông Hải cùng với ông Nguyễn Thành Chung  - nguyên Phó chỉ huy Tham mưu trưởng Cơ quan quân sự H.Khánh Sơn đi dạo. Lúc này trời đã bớt mưa và nắng hửng lên trong vòng 15 phút.

Đột nhiên từ khoảng cách 10 km nhìn lên ngọn Ô Kha, ông Hải thấy một vạt rừng bị phát ngang. Ông Hải chỉ cho ông Thanh và ngay lập tức về hỏi người dân địa phương là liệu khu vực đó có ai làm và phát rẫy không. Câu trả lời nhận được là không. Lúc này nhận định chiếc máy bay rơi ở đỉnh Ô Kha ngày càng chắc chắn.

Đoàn tìm kiếm trở về doanh trại để định vị và tổ chức đoàn tìm kiếm lên đỉnh Ô Kha với sự dẫn đường của người dân tộc sống ở đây. Tới gần sáng thông tin báo về là nhặt được một số cuống vé rơi ở dọc bờ suối trên đường dẫn lên Ô Kha.

Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 3: Cuộc cứu nạn bi tráng
Đoàn của Tổng cục Hàng không và Tổng công ty hàng không tới Nha Trang tổ chức tìm kiếm, cứu nạn - Ảnh: Tư liệu

Thêm chiếc trực thăng bị rơi

Mờ sáng ngày tìm kiếm thứ 9, ông Hải dẫn đầu đoàn tìm kiếm trực chỉ đỉnh Ô Kha. Đến trưa đoàn tới địa điểm nghi máy bay rơi. Tới nơi mọi người hết sức kinh ngạc vì một khoảng rừng bán kính chừng 30 m bị một chiếc cưa khổng lồ vạt ngang qua. Có thân cây 2 - 3 người ôm cũng bị đổ ngã. Đoàn tìm kiếm thấy một phần đuôi và một phần cánh nhưng tìm mãi vẫn không thấy phần thân máy bay đâu.

“Đây là điều rất lạ lùng bởi với sự va đập như vậy thường máy bay sẽ bốc cháy. Chỗ bọn tôi tìm thấy máy bay lúc đầu không hề có mùi hôi thối”, ông Hải nói.

Sau này đoàn tìm kiếm mới lý giải hóa ra chiếc Yak 40 nạp chứa nhiên liệu ở cánh. Khi xảy ra tai nạn, tổ lái đã cố gắng kéo lái để rướn máy bay lên. Lúc này cánh máy bay vạt ngang cây rừng bị gãy và rơi lại, còn thân máy bay bị “búng” qua ngọn đồi khác nằm cách đó hơn 800 m.

Lúc này dù ở cách xa nhưng mọi người ở đoàn tìm kiếm vẫn nghe thấy tiếng kêu cứu giống như tiếng một đứa trẻ. Một lát có người về báo là ở ngọn đồi bên kia mấy người dân tộc phát hiện ra “một con ma” mắt xanh, tóc trắng và đang khoác áo mưa.

Ông Hải nhớ lại: “Tôi hay tin chạy qua phía con ma như lời người dân tộc nói và giật mình vì không nghĩ rằng người này lại có sự dẻo dai vậy. Người phụ nữ này chính là bà Annette Herfkens, người duy nhất sống sót sau vụ tai nạn”.

Ngay lập tức, đoàn cứu nạn đưa bà Annette về doanh trại sơ cứu, cho bà uống nước nóng, ăn cháo. Đồng thời ông Hải điện về sở chỉ huy cứu nạn báo có người còn sống và đề nghị điều máy bay lên để đưa bà Annette về.

“Công tác cứu nạn, đưa thi thể xuống núi sau này báo chí cũng nói tôi không nhắc lại nhiều. Ngoài lực lượng tìm kiếm, chúng tôi phải điều tới một tiểu đoàn chừng 200 người lên cáng các thi thể về. Điều đau lòng nhất là chiếc trực thăng đầu tiên bay lên Ô Kha đưa bà Annette xuống bị gặp nạn khiến toàn bộ 7 người hy sinh”, ông Hải ngậm ngùi.

Chiếc trực thăng bị rơi đó do thiếu tá Vinh làm cơ trưởng. Ông Hải cho biết mãi tới hơn 10 ngày sau mới tìm được xác chiếc trực thăng bởi trực thăng rơi trong rừng rậm nơi an toàn khu kháng chiến Khánh Sơn, với đường đi lại vô cùng gian khổ.

Người phát hiện ra máy bay là ông Bo Bo Tới - một anh hùng lực lượng vũ trang người dân tộc. Mọi người trong đoàn kể lại ông Bo Bo Tới phát hiện chiếc máy bay vào buổi trưa nhờ một giấc mơ chỉ đường dẫn lối.

Ông Hải kể sau khi tìm thấy chiếc Yak 40, ông đề xuất Tổng công ty hàng không để lại một đội để tìm chiếc trực thăng. “Hai máy bay rơi chỉ cách nhau vài ngày. Đa phần anh em từ tổng công ty đều từ không quân chuyển sang nên rất đau lòng khi nghe chiếc trực thăng bị rơi. Chúng tôi hứa với nhau là khi nào tìm thấy xác chiếc trực thăng mới về”, ông Hải nói.

(Còn tiếp)

Ông Lê Hải từng là trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, từng tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam, sau đó tham gia chiến dịch quân sự giải phóng Campuchia khỏi Pol Pot. Sau chiến dịch này, ông Hải được điều ra bắc và làm sư đoàn trưởng Sư đoàn 372. Sau này, ông Hải là Phó tổng giám đốc Cụm cảng hàng không miền Nam cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2003. Ông Hải là anh hùng lực lượng vũ trang của quân đội nhân dân.

Trung Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.