Giảm nhưng vẫn quá tải

02/05/2013 03:35 GMT+7

Sau 2 năm Bộ GD-ĐT thực hiện chủ trương giảm tải, ngoài một số kiến thức thừa hoặc sai sót đã cắt bỏ, học sinh hầu như không thấy việc học nhẹ đi chút nào.

Giảm nhưng vẫn quá tải
 Đã có nhiều lần giảm tải ở bậc tiểu học nhưng chương trình học ở bậc học này vẫn luôn quá tải đối với học sinh - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Không biết đã “giảm tải”

Hầu hết lãnh đạo các trường cũng như giáo viên đều cho biết họ chấp hành khá nghiêm túc quy định của Bộ về điều chỉnh nội dung các môn học theo hướng giảm tải ban hành từ tháng 9.2011. “Giảm được phần nào giáo viên nhàn phần đó, học sinh (HS) cũng sướng vì không phải học”, một giáo viên Trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội tâm sự.   

 

Không ít bài tập lớp 2 của con mà cả bố cả mẹ đều hợp lực, vò đầu bứt tai nhưng vẫn không tìm ra lời giải. Lục tung sách giáo khoa thì không có dạng bài nào tương tự, hóa ra toàn những bài nâng cao cô giáo tự đưa vào

Một phụ huynh ở Hà Nội

Nhưng phần đông HS cho biết không được hưởng lợi gì từ giảm tải. Có không ít HS tỏ ra rất ngạc nhiên, thậm chí thốt lên: “Đã có quy định giảm tải rồi ạ?” khi phóng viên hỏi về hiệu quả của giảm tải. Giải thích cho sự ngạc nhiên của mình, có HS nói thấy vẫn học hết các bài, có HS bảo càng ngày càng học nặng hơn chứ không thấy giảm được chút nào.

K.H, HS lớp 12A2 Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, cho biết học ban A, dùng sách giáo khoa nâng cao nên hầu như không được bỏ phần nào. Còn H.T, lớp 12D1 Trường THPT Thăng Long, nói trên lớp có một số bài hoặc một số mục thầy cô bỏ không dạy và giải thích là do yêu cầu giảm tải nhưng không HS nào để ý.

Chỉ thấy nâng cao

Giảm tải không chỉ vô tác dụng với HS lớp trên mà nhiều phụ huynh ở các lớp dưới cũng phàn nàn con họ chẳng được hưởng lợi gì từ giảm tải. “Con bé nhà tôi mới học lớp 2, học 2 buổi/ngày vậy mà nhiều hôm hai mẹ con trằn ra đến 10-11 giờ đêm để làm bài tập. Mà sao bài tập ra cho trẻ con lại khó thế! Có hôm nó hỏi tôi tả cảnh hoàng hôn trên biển thế nào? Cuối cùng chị nó phải tìm trên internet rồi đọc cho nó chép”, chị Trà, phụ huynh Trường tiểu học Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội), than thở.

 

Thiếu dứt khoát

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội, cho biết ngay từ khi thực hiện sách giáo khoa mới đã thấy sự quá tải rất lớn, làm cho việc học tập của HS rất nặng nề, khổ sở. Bộ đã thấy rõ điều đó nhưng không có biện pháp giảm tải sách giáo khoa một cách dứt khoát và hiệu nghiệm. Đầu năm học 2011-2012 Bộ đã ban hành hướng dẫn về giảm tải một cách rất rụt rè, vụn vặt và chắp vá, hầu như không ai thực hiện. Đầu năm học này, vấn đề giảm tải coi như bỏ qua, không thấy nhắc nhở gì đến nữa.

Phụ huynh có con học ở một trường tiểu học Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: “Không ít bài tập lớp 2 của con mà cả bố cả mẹ đều hợp lực, vò đầu bứt tai nhưng vẫn không tìm ra lời giải. Lục tung sách giáo khoa thì không có dạng bài nào tương tự, hóa ra toàn những bài nâng cao cô giáo tự đưa vào. Ví dụ, có hôm bố mẹ phải mang cân và kẹo ra cân để tìm cách giải bài toán: có 8 viên bi, trong đó có một viên bi nhẹ hơn. Làm thế nào để chỉ hai lần cân mà tìm ra viên bi đó?”. Một phụ huynh Trường tiểu học Thanh Xuân Trung phàn nàn: “Cô giáo tự “chế biến” cả một cuốn bài tập nâng cao để HS làm vào giờ tự học ở lớp cũng như làm ở nhà. Kiến thức cơ bản chưa nắm vững mà cứ phải đánh vật với bài nâng cao, kiểu như chưa biết đi vững đã bắt chạy vậy”.

Từ khi thực hiện chương trình sách giáo khoa năm 2002 đến nay, bậc tiểu học đã có vài lần giảm tải. Sau 3 năm thay sách, Bộ ra yêu cầu cắt 15% kiến thức của chương trình tiểu học; sau đó là ban hành tài liệu hướng dẫn dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng môn học, từng khối lớp. Đây cũng được xem là một lần giảm tải theo kiểu “cầm tay chỉ việc cho giáo viên”. Thế nhưng sau 3 lần giảm tải lớn, điệp khúc quá tải vẫn luôn là nỗi ám ảnh của bất cứ gia đình nào có con cháu là học sinh tiểu học. Trong khi đó theo tìm hiểu của phóng viên, lãnh đạo nhiều trường ở Hà Nội còn quan niệm giảm tải chỉ có ý nghĩa với HS… miền núi, còn HS thành phố cần phải bổ sung nâng cao chứ không cần giảm tải!

Chỉ mang tính hình thức, chưa khoa học

Theo nhiều giáo viên, việc giảm tải nội dung chương trình học hiện nay chưa khoa học. Mặt khác, thực chất việc giảm tải chỉ mang tính hình thức theo kiểu giảm tải ở phần này nhưng tăng tải ở phần khác.

Theo bà Nguyễn Ái Hằng, nguyên tổ trưởng tổ sử Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú, TP.HCM, chương trình môn sử có những phần giảm tải chưa thật sự khoa học và gây khó khăn cho giáo viên, học sinh... Chẳng hạn bài Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1925-1930 của lớp 12, chương trình giảm tải nằm ở phần Tân Việt cách mạng đảng mà đây chính là tiền thân của Đông Dương cộng sản liên đoàn sau này. Chính vì vậy, dạy ở bài sau đó, giáo viên buộc phải nói lại phần Tân Việt cách mạng đảng cho  HS hiểu.

Hoặc ở bài Phong trào giải phóng dân tộc và tổng khởi nghĩa Tháng 8 (1939-1945) giảm tải ở phần khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ và binh biến Đô Lương. Các cuộc khởi nghĩa này đưa đến hình thành các đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ... mà đội du kích là tiền thân của đội  “cứu quốc quân”… Thế nên dạy đến các phần sau, có liên quan đến đội cứu quốc quân, giáo viên cũng phải giảng lại các cuộc khởi nghĩa trên để HS nắm. Theo bà Hằng, việc giảm tải chương trình hiện nay chưa thật đúng nghĩa, liền mạch và khoa học.

Liên quan đến vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM), cho biết: “Việc giảm tải hiện nay chưa đi vào thực chất. Cắt giảm một vài đoạn, bài trong chương trình sách giáo khoa thì chẳng thấm vào đâu so với lượng kiến thức chung mà HS phải nạp hằng ngày. Vì thế cần phải giảm tải sao cho dung lượng tri thức cung cấp đúng lứa tuổi HS ở từng lớp là vừa đủ”. 

Minh Luân

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc

>> Học sinh muốn giảm tải chương trình học
>> Chương trình giảm tải thiếu khoa học
>> Giảm tải chương trình: Chỉ mới nghe nói!
>> Giáo dục giảm tải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.