Công chức phải thực tài

24/10/2013 14:06 GMT+7

Thực tài, thực tâm là những tiêu chí quan trọng mà Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đề ra nhằm tìm kiếm công chức, viên chức cho TP.Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thực tài, thực tâm là những tiêu chí quan trọng mà Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng đề ra nhằm tìm kiếm công chức, viên chức cho TP.Đà Nẵng trong thời gian tới.

Công chức phải thực tài
Nhiều cán bộ trẻ đã được bố trí làm việc tại Đà Nẵng thông qua chính sách thu hút nhân tài - Ảnh: B.N

Cạnh tranh thực tài

Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, trăn trở lớn nhất của ngành là làm sao tìm kiếm được những người thực sự có năng lực, có tâm huyết cống hiến, phục vụ cho nhân dân để tuyển bố trí cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Đồng thời, cũng theo ông Ngữ, làm sao để những người được tuyển dụng vào công chức, viên chức ổn định cuộc sống, phát huy năng lực, tham mưu cho các cấp tốt nhất để phục vụ sự nghiệp phát triển chung của thành phố, của đất nước. “Ngành nội vụ không bao giờ muốn mang tiếng vào làm ở cơ quan nhà nước phải là con ông cháu cha, hay thân quen là đương nhiên được tuyển dụng”, ông Ngữ nói. Vì vậy, việc hình thành quy trình tuyển dụng công chức, viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh thực tài sẽ mở ra nhiều cơ hội cho tất cả mọi người. Ông Đặng Công Ngữ dẫn chứng: “Vừa rồi tại Sở GD-ĐT cần tuyển 1 chỉ tiêu, nhưng có đến 40 - 50 người đăng ký tham gia dự thi. Ngành giáo dục cũng hết sức lúng túng trong việc tuyển chọn, song rất may, cuối cùng cũng tìm ra một người xuất sắc nhất”. Dù vậy, ông Ngữ cũng nói thẳng, quy trình tuyển dụng cạnh tranh thực tài áp dụng trong thời gian tới nhưng cũng không đi chệch các quy định hiện hành của nhà nước.

Bình đẳng trong tuyển dụng

Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng phải đặt mục tiêu bình đẳng trong việc tuyển dụng theo mô hình cạnh tranh thực tài. Bởi theo ông, có nhiều cơ quan đơn vị còn “trọng nam, khinh nữ”, hay chuộng người cùng địa phương, cùng làng, cùng xã mà không muốn nhận người nơi khác cho dù họ giỏi hơn. Ngoài ra, theo ông Bùi Văn Tiếng, khi đã nói đến tuyển dụng cạnh tranh thì phải xóa đi hàng rào “tốt nghiệp chính quy” và “không chính quy”. Bên cạnh đó, khi tiến hành các bước như phỏng vấn, trắc nghiệm... để tuyển chọn người tài cũng cần làm rõ động cơ, tâm huyết, lý tưởng của người thi tuyển, chứ cơ quan nhà nước không phải là nơi để trú chân, ăn lương hay vào để tìm xuất đi học sau đại học. “Doanh nghiệp ngoài nhà nước thường tuyển được nhiều người giỏi hơn, vì sao? Bởi họ có chính sách lương bổng phù hợp, trọng dụng và phát huy tối đa tài năng, tư duy người của được tuyển dụng”, ông Bùi Văn Tiếng nói. Ông Bùi Văn Tiếng cũng cho rằng: “Nếu thi tuyển công chức, viên chức theo mô hình cạnh tranh thực tài mà không quản lý được cái “gốc đào tạo từ dưới lên trên” thì cũng như mình đang tìm cách hớt ngọn mà thôi”.

Lo lãnh đạo không công tâm

“Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có một thành phố mạnh dạn đề cập đến chuyện cạnh tranh thực tài trong việc tuyển dụng cán bộ, công chức”, ông Ngô Quý Nhân, Trưởng bộ môn Quản trị và Nhân sự (ĐH Ngoại thương Hà Nội) nói và tỏ ra hào hứng với bước đột phá của Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông Ngô Quý Nhâm cũng thẳng thắn cho rằng: “Sợ nhất là các vị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị sau khi có kết quả thi tuyển xong lại không nhận người đứng 1, 2, 3 từ trên xuống, mà lại chọn người đứng 1, 2, 3 từ dưới lên. Nên cần có cam kết rõ ràng của người lãnh đạo. Nếu lãnh đạo đơn vị nào đó mà “nói đằng làm nẻo” thì không bao giờ tìm ra người tài”. Đặc biệt ông Ngô Quý Nhâm cũng cảnh báo tình trạng mà theo ông “là hết sức đau lòng” rằng nhiều luận văn cao học của thạc sĩ trong nước lại không bằng luận văn tốt nghiệp của sinh viên. Ngoài ra, cũng có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ có bằng cấp do nước ngoài cấp hẳn hoi, nhưng thực chất “họ học và lấy bằng ở những cơ sở, xí nghiệp chuyên sản xuất bằng”. Cụ thể, theo ông Nhâm đây là những trường không được chính nước sở tại công nhận, và các trường này chủ yếu đi liên kết đào tạo ở các nước khác và cấp bằng. “Vì vậy, khi tuyển dụng phải kiểm tra chặt chẽ và cũng không nên quá chú trọng vào bằng cấp, học vị”, ông Nhâm nhận định.

Theo thống kê, 3 năm (2011-2013), Đà Nẵng đã cử 81 người đi đào tạo đại học, 22 lượt người đi đào tạo sau đại học, 67 bác sĩ theo đề án 922; thu hút 281 người (3 tiến sĩ, 49 thạc sĩ, 186 tốt nghiệp đại học) và bố trí công tác tại các sở, ban, ngành.

B.N

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.