Ứng xử với cổ vật

05/04/2013 10:50 GMT+7

Báo Thanh Niên số ra ngày 21.3 đưa tin về việc người dân tại thôn Trà Liên Tây (xã Triệu Giang, H.Triệu Phong) vô tình phát hiện một con rùa đá và một tấm bia đá cổ. Con rùa đá có kích thước khá lớn (dài 0,9 m; rộng 0,6 m), bị cụt một chân còn tấm bia đá bị gãy nửa chỉ còn thấy 2 chữ Hán (chữ việt và chữ ân).

Cả hai được phát hiện khi anh Trịnh Hải Hùng (người dân địa phương) phát quang vườn nhà nhưng thay vì báo lên cơ quan chức năng, anh Hùng đã tự động đào lên và đưa đi chôn chỗ khác. Sau đó dân làng phát hiện, thôn đã lập biên bản và buộc gia đình anh Hùng đưa 2 cổ vật này về chôn lại chỗ cũ. Đây rõ ràng là một quyết định rất có trách nhiệm của chính quyền cấp thấp ở thôn Trà Liên Tây. Thế nhưng, thông thường tại nhiều địa phương khác khi người dân phát hiện cổ vật, lực lượng chức năng và ngành văn hóa sẽ có mặt, vừa để bảo vệ hiện trường vừa thực hiện những bước nghiên cứu đầu tiên về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại của những cổ vật. Vậy nhưng, sau 3 ngày kể từ khi phát hiện, chỉ có người dân Trà Liên Tây, to nhất là ông trưởng thôn. Cách làm của thôn là chôn lại cổ vật vào vị trí cũ là không sai, thậm chí là đáng khen, nhưng như vậy có công bằng với những cổ vật bởi sẽ gây khó khăn cho cán bộ ngành văn hóa tiếp cận với chúng. Nhiều vị cao niên ở thôn Trà Liên Tây phỏng đoán rằng 2 cổ vật này có tuổi hàng trăm năm nên nếu không được nghiên cứu kỹ sẽ thiệt thòi cho lịch sử của làng, nói rộng ra là lịch sử của một vùng, một nước.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, tại thôn Trà Liên Tây chừng dăm năm trước đã xảy ra một câu chuyện liên quan đến bức tượng cổ của danh nhân Nguyễn Ư Dĩ, khi người dân bao vây cán bộ ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị vì cho rằng những cán bộ này muốn xâm phạm đến tượng. Sự việc qua lâu nhưng nó đã không hề bị quên lãng mà vẫn còn trong tâm thức người dân Trà Liên Tây và các cán bộ ngành văn hóa tại Quảng Trị. Từ đó, 2 bên đã rất khó hợp tác hoặc bất hợp tác, dù thôn Trà Liên Tây là nơi còn rất nhiều cổ vật, di vật chưa khai phá.

Thực tế, cả 2 đều chung mục đích tối thượng là bảo vệ cổ vật, di vật. Nên chăng, cán bộ ngành văn hóa tỉnh Quảng Trị và người dân Trà Liên Tây cần phải ngồi lại với nhau một cách nghiêm túc, để chia sẻ, thông cảm nhau và cùng bỏ qua câu chuyện cũ. Đừng để cứ tìm thấy cổ vật là dân đem đi giấu, tỏ ý đề phòng với cán bộ văn hóa trong khi cán bộ văn hóa hoặc ngại về thôn này, đừng để xảy ra việc tréo nghoe khi một cán bộ Bảo tàng tỉnh Quảng Trị phải đi xin ảnh chụp cổ vật của PV vì lý do “Có xuống nhưng dân đem đi cất hết rồi”.

Bức tượng của danh nhân Nguyễn Ư Dĩ hiện đang được thờ trong 1 am thờ nhỏ trong thôn Trà Liên Tây. Dẫu được lưu giữ trong dân nhưng với điều kiện quá nghèo nàn, chưa xứng tầm. Người dân địa phương kể rằng trước tết nguyên đán, có một doanh nghiệp lớn đóng tại Quảng Trị về thắp hương và nói sẽ bỏ tiền tỉ ra dựng một miếu thờ để đặt tượng Nguyễn Ư Dĩ, nhưng rồi lại lo lắng không biết bây giờ vị ấy còn nhớ không?

Trong đời sống, đôi khi ứng xử với những gì thuộc về quá khứ như di vật, cổ vật còn khó hơn ứng xử giữa người với người. Vậy nên, nói ra để biết, đừng vì những sự không hiểu nhau của con người mà những cổ vật, di vật phải chịu thiệt, lay lắt trong nhân gian, không được bảo vệ, nghiên cứu kịp thời để tìm về đúng nguyên giá trị mà nó vốn có.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.