Tốt nghiệp đại học về quê… nuôi lợn

16/11/2012 03:00 GMT+7

Ban đầu, nhiều người chê cười mình là học xong đại học để rồi về quê nuôi lợn. Nhưng mình quyết là làm, không kiếm được việc thì mình phải tự tạo việc cho mình thôi”, đó là suy nghĩ của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Lợi.

"Ban đầu, nhiều người chê cười mình là học xong đại học để rồi về quê nuôi lợn. Nhưng mình quyết là làm, không kiếm được việc thì mình phải tự tạo việc cho mình thôi”, đó là suy nghĩ của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Lợi.

Đang tất bật với việc mở rộng trang trại chăn nuôi, Nguyễn Văn Lợi khiêm tốn: “Trang trại của tôi còn nhỏ lắm, thấm tháp gì so với nhiều người khác. Trước mắt, tôi đầu tư thêm 300 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi lợn giống lấy tinh dịch. Tôi có làm được chi lớn lao mô mà được lên báo, đã có thành tích chi mô mà kể”.

Với thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm, Nguyễn Văn Lợi khiến nhiều người trong xã Phú Dương (H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) nể trọng vì còn trẻ mà dám nghĩ dám làm. Cái tên trang trại Mỹ An giờ đây đã quen thuộc với bà con chăn nuôi và các lò mổ thịt lợn ở phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế. “Mình làm gì cũng phải tạo uy tín thì mới làm ăn lâu dài được. Quan trọng nhất là mình phải chú trọng đến chất lượng sản phẩm”, Lợi nói.

Lợi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế ngành chăn nuôi thú y. Vốn là dân quê nên Lợi không ngại công việc chăn nuôi. Mặt khác, chăn nuôi thú y lại là chuyên môn của Lợi. Chính vì thế, Lợi quyết định về quê làm ông chủ nông trại.

Năm 2008, được sự hỗ trợ của gia đình cùng nguồn vốn vay dành cho thanh niên, Lợi mạnh dạn đầu tư vào mô hình chăn nuôi nhỏ của gia đình 100 triệu đồng. Trong mô hình chăn nuôi của Lợi, anh chú trọng nuôi lợn giống lấy tinh dịch. Hiện nay, cơ sở nuôi lợn giống lấy tinh dịch của Lợi chiếm 90% thị trường phía nam của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Sau hai năm, Lợi hoàn lại số tiền vay 100 triệu đồng, số tiền lãi, Lợi tiếp tục mở rộng trang trại với việc kết hợp chăn nuôi lợn nái ngoại, lợn thịt và nuôi cá. “Nói chung khó khăn cũng không ít như bệnh tật, thị trường biến động, nguồn vốn… Khó nhất là khâu tiêu thụ và cạnh tranh thị trường. Còn vất vả thì nhằm nhò gì, tôi vốn là dân quê mà. Tôi vừa làm ông chủ vừa làm công nhân thôi”, Lợi nói.

“Lợi nhiệt tình với anh em đoàn thể lắm, không nề hà việc gì. Ban đầu, không ít người chê Lợi gàn dở vì thời đại này mà còn đi học chăn nuôi thú y. Rồi, người ta còn cười Lợi vì nuôi lợn thì cần gì học đại học. Nhưng Lợi không hề ngại điều đó, anh đã chứng minh cho mọi người thấy mình lựa chọn đúng”, anh Đặng Văn Phó, bạn cùng quê với Lợi, cho biết.

“Sinh ra và lớn lên ở đây, nên tôi quen rồi. Thành thị đông đúc, bon chen mệt lắm. Mỗi người có một cách làm giàu khác nhau. Khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê với chuyên môn của mình thì còn gì vui hơn”, Lợi chia sẻ.

Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.