Nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng lại không an toàn

25/10/2013 15:30 GMT+7

(TNO) Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Quang đã bày tỏ quan điểm trên khi phát biểu thảo luận tại tổ sáng 25.10.

>> Tiền đâu để tăng bội chi?
>> Đề xuất tăng trần bội chi ngân sách
>> Bội chi ngân sách 60.440 tỉ đồng
>> Thêm hay bớt 0,5% bội chi đều khó

 
ĐB Trần Du Lịch phát biểu tại tổ TP.HCM sáng 25.10 - Ảnh: Anh Vũ

Làm càng nhanh càng tốt

Từng đề xuất trước Quốc hội kỳ họp trước, nhưng chưa được mổ xẻ, nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa vào Nghị quyết nên lần này đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch tiếp tục kiến nghị một cách mạnh mẽ về việc cần phải điều tiết lợi nhuận tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước không cần nắm giữ vốn, mang tiền về ngân sách đầu tư.

ĐB này đề nghị, ngoài các lĩnh vực chính quan trọng, thiết yếu như dịch vụ công, quốc phòng, an ninh, nhà nước cần nắm giữ, các lĩnh vực còn lại như cao su, dệt may, sữa… phải đẩy nhanh việc bán vốn, thu tiền về điều tiết cho ngân sách vốn đang bị thâm thủng vị hụt thu. 

“Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng hiện nay thị trường chứng khoán ảm đạm không thoái vốn được. Trước mắt tôi đề xuất lấy cổ tức TĐ, TCT đã cổ phần hóa đang dồn vào công ty mẹ. Lấy toàn bộ về và phải làm nhanh. Ngoài ra, tiền tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đem gửi ngân hàng đề nghị điều tiết để đầu tư”, ĐB Trần Du Lịch kiến nghị.

Cũng theo ĐB Trần Du Lịch, hiện nay ngân sách thiếu hụt, phải xin tăng thêm bội chi đầu tư, tức là phải đi vay trả lãi. Để giảm bớt gánh nặng này, cần phải đốc thúc làm nhanh, làm mạnh cổ phần hóa, bán vốn. Nếu lần này đưa được vào trong Nghị quyết của Quốc hội, chắc chắn trong 3 năm tới sẽ có nguồn lực cực lớn để đầu tư.

Lo ngại nợ công

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) băn khoăn về khoản nợ của Vinashin vừa được phát hành trái phiếu quốc tế do Chính phủ bảo lãnh. “Nợ Vinashin như một tờ báo đưa tin Chính phủ bảo lãnh nhưng lại khẳng định doanh nghiệp (DN) tự trả nợ. Theo tôi, phải làm cho rõ ràng, nợ Chính phủ bảo lãnh thì phải chịu trách nhiệm tới cùng, trước hết DN trả nhưng nếu DN không trả được thì nợ đó ai trả. Chúng ta nhìn nhận nợ không có kỹ càng thực tế sẽ đẻ ra rất nhiều hậu quả phải gánh chịu về sau”, ĐB lo lắng.

Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Quang, với mức bội chi 5,3% GDP, dư nợ công tính theo luật Quản lý nợ công đến hết năm 2013 là 56,2% GDP, trong giới hạn an toàn, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, dù báo cáo Chính phủ nói nợ công nằm trong giới hạn cho phép nhưng lại không an toàn vì đến nay nợ công đã xấp xỉ 60%, mất an toàn ở chỗ đảo nợ.

“An toàn là phải có khả năng trả nợ đến hạn. Đáng chú ý là năm 2011, chúng ta không vay đảo nợ nhưng đến 2012 đã phát hành 20.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để đảo nợ, 2013 là 60.000 tỉ đồng, 2014 dự kiến 70.000 tỉ đồng và dự kiến đến 2020 cỡ 290.000 tỉ đồng. Với con số dự kiến này, lúc đó phát hành trái phiếu chính phủ chỉ đủ để trả nợ thôi, không có để đầu tư thêm”, ông Quang dẫn chứng.

 Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: "Doanh nghiệp nào lỗ thì phải bán ngay"

Trao đổi với PV Thanh Niên Online bên lề phiên thảo luận tổ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ là DN nào làm ăn thua lỗ thì phải bán ngay, còn DN nào có hiệu quả, triển vọng thì xem xét rút lui một cách có trật tự, đặt mục tiêu lợi ích quốc gia lên hàng đầu.

* Tâm lý của nhiều DN chuẩn bị cổ phần hóa hiện nay sợ bán giá thấp, bị lỗ phải chịu trách nhiệm làm mất vốn Nhà nước. Chính phủ có cơ chế xử lý như thế nào?

- Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh: Chính phủ có nghị quyết rồi, tới đây sẽ hướng dẫn cụ thể. Hiện nay DN đang làm ăn bình thường có lãi, không nhất thiết phải bán vội nếu giá chưa được. Nhưng nếu cần thiết cũng vẫn phải bán, đấy là một loại. Còn loại nữa đầu tư ra ngoài ngành, chủ trương chung rút vốn về, lùi cũng phải có trật tự, tiến công cũng phải có phương án, thì lùi cũng vậy. Quan điểm của Chính phủ cái nào càng để càng lỗ, càng mất vốn thì bán càng nhanh càng tốt. Còn cái nào đang không lỗ, đầu tư lâu dài, triển vọng tốt không nhất thiết bán ngay, vì thế có lộ trình, nói cái làm ngay là không được, phải cân nhắc lợi ích quốc gia một cách tốt nhất.

Còn tâm trạng DN khi đã đầu tư, hoạt động nay bán đi, nhất là dưới giá trị bao giờ cũng lo ngại, rồi lo lắng vì bị suy diễn thất thoát vốn. Do đó chúng ta phải đặt ra tiêu chí, ví dụ mỗi ngày qua đi mà DN bị mất thêm tiền, vốn phải bán càng nhanh càng tốt.

* Chúng ta xử lý trách nhiệm doanh nghiệp nhà nước sau khi bán bị thâm thủng vốn, bị lỗ như thế nào?

- Đương nhiên phải tính toán, yêu cầu làm rõ nguyên nhân ra. Nếu vì trách nhiệm, vì cái chung thì không sao; còn vì cá nhân, có gì trong đó không tốt thì phải chịu trách nhiệm. Nhưng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Anh Vũ

>> Cổ phần hóa Vietnam Airlines trong năm 2013
>> Cổ phần hóa Tổng công ty chăn nuôi VN
>> 93 DNNN sẽ cổ phần hóa trong năm nay

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.