Một lao động nữ “mất liên lạc” ở Ả Rập Xê Út

25/07/2013 18:53 GMT+7

(TNO) Gần 5 tháng mất liên lạc với người vợ đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, anh Phạm Văn Trường, ở thôn An Thái, thị trấn Phú Thái, H.Kim Thành (Hải Dương) đã gửi đơn kêu cứu, nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ tìm vợ.

(TNO) Gần 5 tháng mất liên lạc với người vợ đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, anh Phạm Văn Trường, ở thôn An Thái, thị trấn Phú Thái, H.Kim Thành (Hải Dương) đã gửi đơn kêu cứu, nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ tìm vợ.

>> Lao động VN tại Ả Rập Xê Út kêu cứu
>> Ả Rập Xê Út mở chương trình ân xá cho lao động cư trú bất hợp pháp
>> Ả Rập Xê Út sẽ cho phụ nữ làm việc trong hãng dược
>> Chết 6 tháng ở Ả Rập Xê Út, xác vẫn chưa được đưa về nước
>> Lao động VN bị bắt giữ tại Ả Rập Xê Út

Trình bày với Thanh Niên Online ngày 25.7, anh Phạm văn Trường cho biết, tháng 9.2012, vợ anh là chị Nguyễn Thị Thuy, sinh năm 1976, được Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông (Tranconsin) đưa sang Ả Rập Xê Út làm giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, từ Tết Nguyên đán đến nay đã gần 5 tháng, gia đình không nhận được điện thoại hay bất cứ thông tin gì về tình hình chị Thuy tại Ả Rập Xê Út. Anh Trường buồn bã: “Kể từ khi đi làm việc đến nay, vợ tôi chỉ gọi điện thoại về nhà đúng 3 lần, trong khi nếu theo hợp đồng ít nhất vợ tôi được gọi điện về hơn 10 lần. Tôi vô cùng lo lắng, ở những lần gọi trước, vợ tôi chỉ khóc và cho biết chủ sử dụng lao động bắt cô ấy phải làm việc rất nhiều. Hợp đồng ký kết, lao động được nghỉ ít nhất 8 tiếng, nhưng mỗi ngày, vợ tôi chỉ được nghỉ từ 4-5 tiếng, thậm chí phải làm thông đêm đến tận gần sáng mới được nghỉ”.

 Một lao động nữ “mất tích” ở Ả rập Xê út
     Anh Phan Văn Trường lo lắng cho sức khỏe của vợ - Ảnh: H.Binh

Anh Trường cũng cho hay, chị Thuy đã làm việc tại Ả Rập Xê Út được 10 tháng, lẽ ra số tiền được nhận là 60 triệu, nhưng mới chỉ nhận chưa đủ 3 tháng với khoản tiền ít ỏi là 14 triệu đồng. Vì quá lo lắng, gia đình anh Trường đã làm đơn cầu cứu đến Công ty Trancoisin và Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Anh Trường bày tỏ: “Cả gia đình mấy tháng nay đứng ngồi không yên, ngày nào cũng ngóng điện thoại gọi về. Nguyện vọng của gia đình muốn đưa vợ tôi về nước, nhưng phía công ty nói chờ đến tháng 8 có khi phải sang tháng 9 mới giải quyết. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu được nói chuyện điện thoại, để gia đình yên tâm là cô ấy vẫn khỏe mạnh”.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Phạm Đức An, Giám đốc Công ty Tranconsin, cho hay: “Công ty đã nhờ công ty môi giới liên hệ với phía chủ sử dụng lao động để chị Thuy gọi điện về nhà, nhưng cho đến nay vẫn chưa gặp được chị Thuy. Chúng tôi cam kết, chịu trách nhiệm về sức khỏe của người lao động (NLĐ) trong thời gian ở Ả Rập Xê Út. NLĐ sẽ liên lạc về nhà trước ít nhất 1 tuần”. 

Theo lời ông An, Ả Rập Xê Út là đất nước đạo Hồi nên rất khắt khe với phụ nữ, gặp gia chủ khó tính, có thể họ thu giữ điện thoại không cho người giúp việc liên lạc với bên ngoài.

“Đưa NLĐ về nước an toàn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Ngày 8.8 tới, đích thân tôi sẽ sang giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh của NLĐ, tiến hành phối hợp với các bên tại Ả Rập Xê Út để đưa lao động về nước, chậm nhất ngày 30.9. Ngoài ra, công ty cam kết,đảm bảo quyền lợi về thu nhập của người lao động cho đến khi NLĐ về nước theo hợp đồng, mức lương là 1.100 SR/tháng. Các vấn đề phát sinh sẽ được giải quyết khi NLĐ về nước”. 

Còn theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, lý do vụ việc chưa thể giải quyết ngay là do phía Ả Rập Xê Út đang tổ chức lễ ăn chay Ramadan nên rất khó để làm việc cùng cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng khẳng định, Cục Quản lý lao động ngoài nước và công ty sẽ phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Xê Út tìm mọi cách liên hệ với chị Thuy và đảm bảo đưa NLĐ về nước an toàn trong thời gian sớm nhất.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.