Phải tăng giá mới bảo đảm đủ điện dùng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
09/11/2023 04:11 GMT+7

Đó là khẳng định của ngành điện, các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý. Nhưng tăng bao nhiêu, bao giờ tăng mới là vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Tăng 4,5%, tương đương 86 đồng/kWh là hợp lý ?

"Ngày nào việc tính toán chi phí giá thành sản xuất điện còn mang tính "bao cấp", chưa được tính đúng, đầy đủ và nhất quán theo nguyên tắc Chính phủ đã đề ra thì việc tiến đến thị trường điện cạnh tranh càng cam go", ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nhận xét khi nói về giá điện hiện nay của VN. Và ông nhấn mạnh: "Muốn bảo đảm điện cho cả nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đưa ra là không để thiếu điện trong năm 2024, phải khai thác tốt nhất các nguồn điện có sẵn như thủy điện, nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời. Đặc biệt gỡ nhanh các vướng mắc trong mua bán điện đối với nguồn điện tái tạo. Muốn vậy, phải đưa giá điện về sát thực tế. Các chi phí đầu vào đã qua kiểm toán, kiểm soát mà tăng thì buộc chúng ta phải điều chỉnh cho tăng giá điện mới bảo đảm tính ổn định được".

Phải tăng giá mới bảo đảm đủ điện dùng - Ảnh 1.

Nhiều dự báo giá điện sẽ tăng trong thời gian tới

H.Hy

Vấn đề là tăng bao nhiêu trong bối cảnh sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế cần trợ lực phục hồi và tránh lạm phát. Ông Nguyễn Tiến Thỏa tính toán: Nếu tính giá thành sản xuất điện đầu vào đang tăng so giá hiện hành là 9,2% (tương đương khoảng 178 đồng/kWh). Nhưng để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động đến hoạt động sản xuất của nhiều ngành nghề và đời sống người dân thì mức tăng là 4,5%, tương đương tăng 86 đồng/kWh.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa lý giải: "Theo quy định tại Quyết định 24 của Chính phủ, giá bán lẻ điện bình quân thay đổi dưới 5% thì EVN điều chỉnh, từ 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương và trên 10% Thủ tướng xem xét, quyết định. Như vậy, thẩm quyền điều chỉnh giá điện bình quân dưới 5% thuộc EVN. Thứ hai là tại Quyết định 24 cũng cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện bình quân 1 lần. Tính từ lần tăng giá hồi đầu tháng 5 vừa qua, đến nay cũng đã hơn 6 tháng, việc điều chỉnh đúng theo quy định. Thứ ba, điều chỉnh tăng mức 4,5% giá bán lẻ điện bình quân sẽ khiến chỉ số giá tác động qua 2 vòng trực tiếp và gián tiếp tăng khoảng 0,29%, hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát lạm phát mà Quốc hội cho phép, dưới 4,5%".

Trong thực tế, các thông số đầu vào sản xuất điện theo báo cáo của EVN trong 10 tháng của năm nay là đã giảm so với năm 2022 nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây. Cụ thể, giá than nhập khẩu dự kiến năm 2023 tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021; than pha trộn của Tập đoàn Than - khoáng sản VN (TKV) dự kiến tăng từ 29,6 - 46,0% (tùy loại); than pha trộn của Tổng công ty Đông Bắc năm nay tăng từ 40,6 - 49,8% tùy loại và giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86% so với giá bình quân năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.

Thủy điện hiện có chi phí sản xuất rẻ nhất, chiếm 28% trong cơ cấu nguồn điện hiện nay nhưng nguồn này không ổn định. Vừa qua, khi thủy điện xuống mức nước thấp, chúng ta phải huy động nguồn điện giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện có thể lên đến 5.000 đồng/kWh, với than là khoảng 2.500 - 2.800 đồng/kWh. Theo ông Thỏa, việc "mua cao bán thấp" đang tạo áp lực cho ngành điện dẫn đến thua lỗ kéo dài. Chậm điều chỉnh giá điện về sát thực tế gây khó khăn về nhiều mặt. Giá điện thấp, nói là tốt cho sản xuất, kinh doanh, tốt cho đời sống người dân nhưng khi đầu vào không thực, sản phẩm đầu ra không phản ánh đúng giá trị thị trường.

Nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn vẫn cao

Liên quan về giá điện, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động, phù hợp thực tiễn, mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Về nguồn, Thường trực Chính phủ lưu ý sử dụng tối đa nguồn điện trong nước. Giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa được ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nhằm "tránh lãng phí trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, công khai, minh bạch, không tiêu cực, lợi ích nhóm". Cần thiết có thể tính toán phương án mua điện từ Lào và Trung Quốc.

PGS-TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, nhận định với nhiều nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, năm 2024 sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm nay. Thường trực Chính phủ vừa có những chỉ đạo quyết liệt nhằm có giải pháp đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện, vận hành tối đa công suất nhà máy. Kịch bản cung ứng điện năm sau được Bộ Công thương, EVN xây dựng trên cơ sở dự báo GDP ở mức 6,0 - 6,5%, trong khi điều kiện tổng nguồn chỉ khoảng 50.000 - 52.000 MW. Việc "rút kinh nghiệm" từ năm nay khiến năm sau khó thiếu nhưng giá điện sẽ tăng.

Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình vẫn bày tỏ lo lắng về nguồn điện trong ngắn hạn. Ông nói giả sử huy động hết các nguồn điện đang treo hiện nay thì vào những thời khắc cao điểm, miền Bắc vẫn xảy ra thiếu điện như thường. "Ý chí của các nhà lãnh đạo là đường truyền 500 kV phải hoàn thành vào tháng 6.2024. Tháng 6 cũng là mùa nắng nóng cao điểm tại miền Bắc, giả sử có những lý do bất khả kháng, đường truyền 500 kV mạch 3 này không thể hoàn thành đúng thời hạn, thì mùa hè năm sau, cho dù điện tái tạo từ miền Trung và miền Nam thừa, vẫn khó "tiếp viện" ra miền Bắc kịp. Chúng ta phải tính đến xác suất không kịp truyền tải điện này. Thứ hai, giả sử truyền điện ra Bắc kịp, nếu huy động hết nguồn điện tái tạo đang treo và hiện có thì vẫn thiếu. Chúng ta phải tính khi cần huy động mà mặt trời tắt, gió đứng thì sao? Trong thực tế, chúng ta có 4 GW điện gió, 17 GW điện mặt trời. Đỉnh phụ tải thường rơi vào khung 5 - 6 giờ chiều, tháng 5 và 6 sức gió cũng yếu. Như vậy, 21 GW năng lượng tái tạo này vào buổi tối là không có khi mặt trời đã lặn, gió ngưng thổi. Nguồn chỉ có 50.000 - 52.000 MW, nhưng năm nay đỉnh có lúc lên 52.000 MW và dự báo năm sau đỉnh có thể tăng khoảng 10% nữa. Như vậy, thách thức thiếu điện trong ngắn hạn vẫn rất lớn", ông Đình khuyến cáo. 

Giá điện thấp không thay đổi được hành vi tiêu dùng của người sử dụng điện. Các nhà đầu tư vẫn sử dụng công nghệ cũ, gây lãng phí và giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, giá điện thấp sẽ tạo một môi trường đầu tư không công bằng giữa các doanh nghiệp đang nỗ lực sử dụng năng lượng xanh và doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp, tiêu tốn năng lượng…

TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.