Phế phẩm xuất khẩu tỉ USD: Hàng triệu tấn 'dầu thô trên đồng' bị đốt bỏ

08/10/2022 07:29 GMT+7

Trong khi nhiều nguồn phế phẩm nông nghiệp đang được đầu tư khai thác hiệu quả thì khoảng 50% nguồn rơm rạ có giá trị hàng tỉ USD vẫn đang bị… đốt bỏ trên đồng sau mỗi mùa vụ.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), trên trang web bán hàng của Amazon giá niêm yết mỗi tấn rơm là 80 - 100 USD, tính ra mỗi năm VN đang lãng phí 2 - 3 tỉ USD.

Xuất khẩu rơm vẫn ì ạch

Xuất khẩu rơm không phải là chuyện mới. Năm 2015, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-BIX) đã đến Cần Thơ để ký hợp đồng ghi nhớ với Nông trường Sông Hậu tính chuyện thu mua rơm với số lượng trên 220.000 tấn/năm mang về Nhật để nuôi bò. Sau đó, J-BIX cũng tìm đến một số địa phương khác để tính chuyện hợp tác, xây nhà máy, chế biến rơm mang về Nhật.

Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này vẫn không thành công vì gặp một số vấn đề về thủ tục. Bên cạnh đó, do đối tác dùng rơm để làm thức ăn cho bò nên cũng có một số yêu cầu về chất lượng và kiểm dịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho rơm rạ VN nhiều năm qua chưa thể xuất khẩu thành công đi Nhật Bản.

ĐBSCL số lượng rơm được thu gom vẫn còn ít

Chí Nhân

Mãi đến năm 2020, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Rơm Việt ở xã Đông Xuyên (Tiền Hải, Thái Bình) mới trở thành đơn vị đầu tiên xuất khẩu rơm ra nước ngoài. Bà Phạm Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Rơm Việt, cho biết bắt đầu từ tháng 1.2020 đến nay, doanh nghiệp (DN) đã thu mua, xuất khẩu được hơn 10 vụ, với số lượng khoảng 400.000 tấn rơm, thu về hơn 60.000 USD.

Công ty đã thu mua gần 1.000 ha phụ phẩm rơm sau thu hoạch vụ mùa của nông dân để chế biến thành sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Rơm sau khi thu hoạch về được xử lý khô tới 90% rồi dệt thành mành và sấy khô ở nhiệt độ rất cao. Các sản phẩm rơm này được phía đối tác Hàn Quốc thu mua để che phủ cho các loại cây nông nghiệp tránh tuyết vào mùa đông, đặc biệt là cây sâm. “Việc tận dụng nguồn nguyên liệu này không chỉ giúp sinh lợi cho nông dân mà còn giảm thiểu tình trạng đốt bỏ”, bà Xuân nói.

Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (ước tính 50 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại hơn 3 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học là 220.000 tấn đạm, 200.000 tấn lân và 480.000 tấn kali.

TS Trịnh Quang Khương (Viện Lúa ĐBSCL)

TS Nguyễn Văn Hùng, chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại VN, nhận định: Mỗi năm VN sản xuất khoảng 40 triệu tấn rơm, khoảng 60% lượng rơm này vẫn bị đốt bỏ trên đồng sau mỗi vụ thu hoạch. Nguyên nhân chính là do thiếu giải pháp công nghệ và thị trường, giá thu mua rơm còn thấp. Trong khi đó, có thể cải tiến nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất lúa và tận dụng nguồn rơm rạ để làm nấm, thức ăn gia súc, ủ phân, chế biến nhựa sinh học…

Dự án của IRRI triển khai ở ĐBSCL, dùng các máy cuốn rơm nhỏ để thu gom rơm bán có thể hòa vốn đầu tư khoảng 6.000 USD sau 1 năm. Dự án triển khai từ năm 2016 đến 2021 đã có gần 10.000 máy cuốn rơm nhỏ đang hoạt động ở ĐBSCL, ước tính giảm đến 20% lượng rơm rạ đốt tại ruộng.

Trên thực tế tại ĐBSCL thời gian qua, một phần rơm sau mỗi vụ lúa đã được thu gom và tái sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như trồng nấm, làm chất đốt, phân bón, làm vườn và thức ăn gia súc… Trong vụ đông xuân năm 2021 tại Đồng Tháp, giá bán rơm từ 55.000 - 75.000 đồng/công (1.000 m2), sau khi dùng máy cuộn lại thành bó có giá lên đến 15.000 - 25.000 đồng/bó; tương đương 1.250 - 2.000 đồng/kg. Đây là nguồn thu bổ sung đáng kể vào thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, do nguồn phụ phẩm này quá lớn mà việc tái sử dụng còn hạn chế nên tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch vẫn còn phổ biến.

Viên nén trấu tăng giá

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công thương), tổng nguồn sinh khối của VN vào khoảng 118 triệu tấn/năm; quy đổi ra dầu sẽ tương đương 80 triệu tấn, gấp 2 lần tổng lượng khai thác dầu khí. Riêng tiềm năng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương 12,8 triệu tấn dầu thô. Đặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn. Thế nhưng, 50% trong số này vẫn đang bị đốt bỏ sau mỗi mùa vụ.

Đại diện Công ty Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang) từ nhiều năm qua đã áp dụng kỹ thuật ép trấu thành viên nén để tận dụng nguồn phụ phẩm của quá trình xay xát gạo. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho các nhà máy nội địa dùng làm nguyên liệu trong đốt lò. Vì giá thành sản phẩm khá thấp nên chủ yếu tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có từ nhà máy chế biến gạo và mua thêm một ít từ các đơn vị khác.

Bà Lê Thị Tuyết Mai, Giám đốc Công ty Mai Anh ở Đồng Tháp, cho biết từ năm 2012 đã đầu tư sản xuất viên nén trấu để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Nhiều nhà máy xay xát gạo cũng đầu tư chế biến viên nén trấu để giải quyết vấn đề môi trường và nguồn phụ phẩm. Tuy nhiên, do giá thời gian qua của viên nén trấu khá thấp nên chưa ai nghĩ đến việc sản xuất viên nén từ rơm.

Tuy nhiên, trong cơn sốt giá năng lượng toàn cầu hiện nay, bên cạnh viên nén gỗ thì viên nén từ trấu của VN hiện lại đang hút hàng sốt giá. Một số thương nhân, ngoài tiêu thụ nội địa trước đây củi trấu và viên nén trấu thường được xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều khách hàng từ châu Âu liên hệ tìm nguồn cung viên nén trấu số lượng lớn. Giá viên trấu nén cũng tăng theo từ mức 1.400 - 1.800 đồng/kg đã tăng thêm khoảng 2.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên chúng ta lại không có đủ hàng để bán cũng như sản phẩm tương ứng thay thế.

TS Trần Công Thắng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: Phần lớn các nước đều coi rơm rạ và phế phẩm nông nghiệp nói chung là nguồn tài nguyên quý giá và tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Cụ thể như tại châu Âu và Trung Quốc rơm rạ được dùng làm năng lượng sinh học, viên nén rất phổ biến với tỷ lệ thu gom và xử lý thành công cao. Riêng Nhật Bản vùi trở lại vào đất 61,5%, làm thức ăn chăn nuôi 11,6%, sản xuất phân bón và nhiều ứng dụng khác.

TS Trịnh Quang Khương, Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: “Hiện nay các chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả cao trong việc xử lý rơm rạ. Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (ước tính 50 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại hơn 3 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học là 220.000 tấn đạm, 200.000 tấn lân và 480.000 tấn kali. Hay vùi rơm rạ vào đất là việc làm trả lại cho đất hầu hết các nguyên tố dinh dưỡng mà cây lúa đã lấy đi từ đất. Việc làm này có tác dụng bảo toàn nguồn dự trữ dinh dưỡng của đất về lâu dài. Tất cả những việc này đều mang lại nguồn thu lớn nhưng chúng ta chưa tận dụng được hết”.

Việc xử lý nguồn rơm rạ trong quá trình sản xuất lúa gạo là một yêu cầu tất yếu trong xu thế “xanh hóa hạt gạo”. Điều này nhằm giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên, tăng thu nhập cho người nông dân và tạo thêm giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho hàng hóa VN trên thị trường thế giới. Quan trọng hơn còn giúp VN giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất lúa gạo và nông nghiệp, nhằm hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng về bằng 0.

TS Nguyễn Văn Hùng (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.