Quảng Nam, Đà Nẵng: Thủy hải sản vẫn an toàn

Các cơ quan chức năng ở TP.Đà Nẵng khẳng định thủy hải sản đánh bắt chủ yếu ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa, đến thời điểm này vẫn được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

Tại Đà Nẵng, mặc dù chính quyền địa phương khẳng định thông tin: cá chết chưa lan đến Đà Nẵng, nhưng một số người dân Đà Nẵng vẫn cảm giác lo ngại. Vì vậy, lượng hải sản tiêu thụ tại thị trường Đà Nẵng giảm sút mạnh, giá cả vì vậy cũng giảm theo.
“Bình thường mỗi ngày có 50-60 chiếc tàu đánh bắt xa bờ về cảng, với công suất 150-200 tấn hải sản, nhưng hiện nay số lượng giảm 30-40%. Giá cả vì vậy cũng giảm xuống 30-50%, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của ngư dân”, ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng BQL Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang cho hay.


Ông Huỳnh Văn Phương, Trưởng BQL Cảng cá và Âu thuyền Thọ Quang cũng khuyến cáo để tránh mua nhầm cá chết từ nơi khác nhập về, người dân nên chọn loại cá tươi, còn máu, độ đàn hồi tốt. “Không nên loại bỏ cá biển, hải sản ra khỏi thực đơn của mình, bởi hải sản các nơi khác tôi không dám chắc chứ hải sản các thuyền Đà Nẵng đánh bắt Chi cục Thủy sản chắc chắn là đánh bắt ở những ngư trường xa, hoàn toàn an toàn”, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản quả quyết.


Trong khi đó, ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng tại Đà Nẵng có hơn 400 thuyền chủ yếu khai thác ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, là vùng biển an toàn nên các loại hải sản không bị ảnh hưởng như cá ở vùng biển ven bờ bắc Trung bộ.
“Chất lượng cá của ngư dân Đà Nẵng đánh bắt xa bờ hoàn toàn đảm bảo, nhưng người dân vẫn nghi ngại, nên xảy ra thêm một vấn đề nữa, là các doanh nghiệp lợi dụng ép giá thu mua hải sản của ngư dân trong thời điểm này để mua được hải sản rẻ”, ông Phương cho biết thêm.
Không có chuyện cá chết hàng loạt
Chiều 28.4, tại Âu thuyền Cẩm Nam (TP.Hội An, Quảng Nam), nhiều tàu cá đánh bắt vùng bãi ngang ven biển của ngư dân địa phương đã cắt ngắn chuyến đi biển vì hải sản có dấu hiệu bị “ế”.
Ngư dân kỳ cựu Tăng Bưng, 70 tuổi, trú P.Cẩm Nam làm một động tác “chào thua”, giơ cao mái chèo khi cập âu thuyền. Một số ngư dân khác cũng vội vã quay vào bờ, mang theo lượng lớn cá ướp đá “để dành”, chấp nhận một chuyến biển mất trắng. Những tác động tâm lý kiểu dây chuyền đã khiến ngư dân chịu thiệt hại vì cá bán không “chạy”.
Hôm 28.4, chứng kiến cảnh cá bị ế, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An thốt lên: “Bà con ngư dân khốn khổ lắm! Tôi nhìn thấy nhiều con cá tươi rói tại bờ biển Cẩm An nhưng không ai chịu mua!”. Đây là diễn biến mới kể từ khi có thông tin cá chết dạt vào Cù Lao Chàm. Tuy nhiên, chính quyền TP.Hội An khẳng định một số con cá loại nhỏ chết dạt vào bãi Ông (Cù Lao Chàm) không phải là hiện tượng bất thường.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Chỉ vài ba con cá chết, loại nhỏ như cá sơn, nhưng không phải là “cá chết hàng loạt” kiểu như ngoài Vũng Áng. Loại cá nhỏ chết như thế này vẫn thường xảy ra, do tác động bởi ngư dân kéo lưới, sốc nước hoặc đánh mìn ngoài khơi”. Kết quả kiểm tra mẫu nước biển ở Hội An cho thấy khu vực này vẫn an toàn.
Trong khi đó, ở vùng biển phía nam Quảng Nam, ngư dân vẫn đang hoạt động đánh bắt bình thường. Tại biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), lượng người đi tắm biển không giảm. Nhịp điệu mua bán ở khu vực chợ cá dọc xã Tam Quang (H.Núi Thành) chưa có dấu hiệu chững lại, theo ông Nguyễn Tin, Bí thư Đảng ủy xã. “Chúng tôi thường xuyên đi dọc biển để kiểm tra nhưng vẫn chưa thấy có biểu hiện gì khác lạ”, ông Nguyễn Tin nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.