Quảng Ngãi: Cho phép doanh nghiệp nhận chìm 905.000 mét khối bùn, đất xuống biển

Hải Phong
Hải Phong
24/08/2023 07:26 GMT+7

UBND tỉnh Quảng Ngãi cho phép doanh nghiệp nhận chìm 905.000m3 bùn, đất xuống biển khi thực hiện nạo vét khu bến cảng và luồng hàng hải thuộc dự án nâng cấp bến chuyên dùng phục vụ chung Khu kinh tế Dung Quất.

Ngày 23.8, theo tài liệu PV Thanh Niên thu thập, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án nạo vét khu bến cảng và luồng hàng hải thuộc dự án nâng cấp bến chuyên dùng phục vụ chung Khu kinh tế Dung Quất của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi (xã Bình Thuận, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Theo đó, tổng số bùn, đất trong quá trình nạo vét có khối lượng hơn 905.000m3. Diện tích vùng biển dự kiến nhận chìm rộng gần 45 ha, nằm cách khu vực nạo vét 11 km, thuộc vùng biển Dung Quất.

Quảng Ngãi: Cho phép doanh nghiệp nạo vét hơn 900.000 m3 bùn, đất nhận chìm xuống biển - Ảnh 1.

Cảng Hào Hưng tại xã Bình Thuận, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi

HẢI PHONG

Toàn bộ chất thải trong quá trình nạo vét sẽ được chứa trên các sà lan và tàu để vận chuyển đến vị trí nhận chìm ngoài biển. Hoạt động nhận chìm chất nạo vét thực hiện bằng hình thức xả đáy.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho phép doanh nghiệp trong quá trình nạo vét chất thải có thể chuyển số bùn, đất trên cho các đơn vị có nhu cầu san lấp khu vực có địa hình trũng thấp và nhiễm mặn để tận dụng nguồn khoáng sản dư thừa. Tuy nhiên, muốn thực hiện việc này, chủ doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu thực hiện giám sát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo toàn bộ chất thải sinh hoạt, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại phát sinh từ các hoạt động của dự án đều được thu gom, xử lý, đáp ứng các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường theo quy định của luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật có liên quan và các quy định trên địa bàn tỉnh. Chỉ được phép nhận chìm chất nạo vét phát sinh trong quá trình thực hiện dự án vào đúng các vị trí đã được cấp phép và phải có biện pháp quản lý kỹ thuật, bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh môi trường trong quá trình nạo vét, vận chuyển, nhận chìm.

Trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến môi trường cũng như hoạt động của các dự án xung quanh thì chủ dự án phải dừng các hoạt động của dự án, thực hiện các biện pháp khắc phục, báo cáo cho các cơ quan liên quan để có phương án xử lý kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.