Quất Tứ Liên canh cánh tìm đầu ra vụ tết

22/01/2024 07:08 GMT+7

Thời điểm này, các nhà vườn tại 'thủ phủ' quất Tứ Liên (P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật những công đoạn cuối cùng để sẵn sàng phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn đều canh cánh nỗi lo tìm đầu ra.

Quất đẹp nhưng sức mua giảm

Từ lâu, quất Tứ Liên đã nổi tiếng khắp nơi với vẻ đẹp độc đáo. Hiện, cả làng có khoảng 400 hộ trồng quất cảnh với tổng diện tích lên tới 20 ha. Mỗi nhà vườn có diện tích khoảng 1.000 m2, số lượng gốc quất từ vài trăm đến cả nghìn gốc. Hầu hết vườn quất tại Tứ Liên những ngày này đều khá tấp nập. Theo ghi nhận của Thanh Niên, đa số quất cảnh tại các nhà vườn đều đẹp, quả to tròn, lá xanh, dáng chuẩn bắt mắt. Những chùm quất đang ngả dần từ xanh sang vàng, trông chờ một mùa bội thu.

Quất Tứ Liên canh cánh tìm đầu ra vụ tết- Ảnh 1.

Các vườn quất tại Tứ Liên đang bắt đầu chuyển vàng

ĐÌNH HUY

Theo nhiều chủ vườn tại đây, toàn bộ các gốc quất đã được chuyển vào bình và tạo thế ngay từ khi trồng. Thời tiết năm nay thuận lợi, quất sẽ chín đúng dịp tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, giá quất sẽ tăng nhẹ do phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá thuê nhân công… đều tăng. Các cây quất năm nay được nhận định đẹp và chất lượng hơn mọi năm. Từ đầu tháng 1, khách đã tấp nập đến tham quan, hỏi mua nhưng số cây bán được không nhiều. Hiện quất tại nhiều nhà vườn ở Tứ Liên đã bán được khoảng 30%. Tuy nhiên, con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Để phục vụ nhu cầu thị trường tết Giáp Thìn 2024, năm nay, gia đình ông Lê Văn Họa (58 tuổi, chủ vườn quất Họa Thu) cho ra khoảng 600 gốc quất, phần lớn được đặt sẵn trong các bình gốm với nhiều kích cỡ. "Vườn nhà tôi hiện được khách đặt gần một nửa, các cây có giá từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng tùy dáng, gốc và kích thước cây. Nhìn chung, giá quất năm nay nhỉnh hơn năm ngoái một chút nhưng sức mua kém do kinh tế khó khăn", ông Họa nói.

Cách vườn quất của ông Họa không xa là vườn quất của gia đình bà Phạm Ngọc Bích (61 tuổi). Bà Bích cho biết, vườn nhà bà có diện tích khoảng 500 m2, cho ra khoảng hơn 1.000 gốc quất. Giá thành dao động từ 350.000 đồng/gốc đến 20 triệu đồng/gốc, tùy thuộc vào kiểu dáng, kích thước và phù hợp với mọi đối tượng khách hàng.

"Năm ngoái, giờ này bán gần hết rồi, năm nay kinh tế khó khăn nên bán chậm lắm; giờ mới chỉ bán được 1/6 vốn bỏ ra. Làm cả năm, thu hoạch một mùa, kinh tế cả năm là trông chờ hết vào vườn quất. Bỏ ra mấy trăm triệu đồng tiền vốn chứ có ít đâu, còn chưa tính cả công sức. Sát tết rồi thấy chưa bán được là lo đến không ăn, không ngủ", bà Bích cho hay.

"Mong lấy lại được vốn chứ chưa nói đến lời lãi"

Để có những chậu quất đẹp phục vụ thị trường tết, các nhà vườn phải bỏ nhiều công sức chăm sóc. Với những cây quất bonsai, do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn. Các chủ vườn chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo cây được cung cấp đủ dưỡng chất. Những cây quất đẹp phải đảm bảo có cả quả chín vàng và quả xanh, vừa có lộc, vừa có hoa, tượng trưng cho sự đầy đủ, phú quý.

"Chúng tôi đã phải dày công chăm sóc suốt cả năm trời. Quất cảnh là loại cây hút nước, cần nhiều ánh sáng, thích hợp phát triển trong nhiệt độ 20 - 24 độ C. Những lúc hanh khô, chúng tôi phải tưới nước đều đặn 2 lần/ngày để quả được to, mọng nước hơn. Thời tiết nắng nóng nên quất năm nay đã bắt đầu ngả vàng", một chủ vườn chia sẻ.

Được biết, để thích ứng với tình hình khó khăn chung, nhiều hộ gia đình ở Tứ Liên đã chủ động cắt giảm nhân công, chủ yếu tự làm cả khâu cắt tỉa và chăm sóc cây. Những người trồng quất đều khá thấp thỏm về đầu ra.

"Lãi chỉ lãi ở những cây to, bán được giá thì lãi vài ba triệu, nhưng ít cây to lắm, nhà tôi chỉ khoảng 10 chậu. Đa số là các chậu nhỏ thì gần như làm công không, sang tiền luôn. Bây giờ cơ bản là phải bán được những cây to, những cây nhỏ thì không sợ vì tầm 25 tết đắt rẻ là phải bê đi hết, bán đổ đồng cho thương lái. Mong là qua rằm tháng chạp thị trường sẽ sôi động hơn", chủ nhà vườn Trung Phượng tâm sự.

Cùng tâm trạng canh cánh tìm đầu ra, ông Tuấn (chủ nhà vườn Tuấn Mai) cho biết, năm nay, giá thuê nhân công cao khoảng 600.000 đồng/công/ngày nên gia đình ông tự làm hết các công đoạn như cắt tỉa, uốn nắn, chăm sóc cây. "Kinh tế khó khăn, cái gì cũng lên giá từ chi phí chăm sóc đến bình, chum, lọ, chậu đựng. Muốn giữ chân khách hàng, để cân bằng chi phí thì gia đình tôi cắt giảm nhân công, các công việc đa số tự làm hết, chỉ thuê nhân công vận chuyển cây. Công chăm sóc vất vả cả năm trời, giờ chỉ mong mưa thuận gió hòa để lấy lại được vốn chứ chưa nói gì đến lời lãi", ông Tuấn rầu rĩ nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.