Tại Lithuania, NATO tìm cách tháo gỡ bất đồng về lộ trình kết nạp Ukraine

11/07/2023 15:07 GMT+7

Các thành viên NATO hiện có quan điểm khác nhau về lộ trình cũng như các điều kiện để Ukraine có thể gia nhập liên minh sau khi chiến sự kết thúc.

Tại Lithuania, NATO tìm cách tháo gỡ bất đồng về lộ trình kết nạp Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kyiv hồi tháng 4

AFP

Lãnh đạo của 31 nước thành viên NATO sẽ gặp nhau tại thủ đô Vilnius của Lithuania (Litva) trong hai ngày 11-12.7 với chương trình nghị sự dự kiến xoay quanh chiến sự giữa Nga và Ukraine, cũng như nỗ lực của Kyiv trong việc gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Dù các thành viên NATO đã nhất trí rằng Ukraine sẽ không thể gia nhập liên minh khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, họ lại bất đồng về lộ trình và các điều kiện để kết nạp Kyiv sau khi xung đột chấm dứt, theo Reuters. Hội nghị tại Vilnius sẽ là cơ hội để NATO có thể đạt được đồng thuận về vấn đề này. Tại Lithuania, quốc gia thuộc Liên Xô cũ, các nhà lãnh đạo dự kiến cũng sẽ thông qua kế hoạch toàn diện đầu tiên của NATO sau Chiến tranh Lạnh trong việc ứng phó nếu bị Nga tấn công.

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO sau thời gian dài phản đối

Bất đồng quan điểm

NATO được thành lập vào năm 1949 với mục đích chính là chống lại Liên Xô. Song sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO đã kết nạp nhiều quốc gia từng nằm trong Liên Xô và mở rộng về phía đông, hành động mà Nga cho rằng đe dọa an ninh của nước này. Ý định gia nhập NATO của Ukraine được Moscow viện dẫn như là một phần lý do dẫn đến xung đột hiện nay.

Trong khi các nước ở sườn phía đông NATO muốn xúc tiến việc kết nạp Ukraine, các nước như Mỹ, Đức đã tỏ ra thận trọng hơn, cảnh giác với bất kỳ động thái nào mà họ lo ngại có thể lôi kéo NATO vào xung đột trực tiếp với Nga, và có khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn cầu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục NATO đưa ra lộ trình rõ ràng cho việc kết nạp Kyiv trong thông cáo chung của hội nghị tại Vilnius để Ukraine có thể gia nhập liên minh ngay sau khi chiến sự kết thúc.

"Chúng tôi vẫn đang làm việc về ngôn từ... nhưng chúng tôi đã hiểu thực tế là Ukraine sẽ gia nhập liên minh", ông Zelensky viết trên Twitter vào tối 10.7, cho biết Kyiv đang "cố gắng xây dựng công thức để có được tư cách thành viên rõ ràng và nhanh chóng nhất có thể".

Các nhà ngoại giao cho biết những lời lẽ như "vị trí xứng đáng của Ukraine là ở trong NATO" và nước này sẽ gia nhập liên minh "khi điều kiện cho phép" đang được thảo luận để đưa vào thông cáo chung của hội nghị ở Vilnius. Một số nước muốn từ "lời mời" hoặc "mời" (Ukraine gia nhập NATO) được đưa vào.

Các cường quốc NATO chạy đua với thời gian tìm đảm bảo an ninh cho Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 10.7 cho biết ông đã đưa ra một loạt đề xuất, bao gồm việc loại bỏ yêu cầu về Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP) đối với Ukraine trong hành trình gia nhập liên minh. MAP là danh sách các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự mà các quốc gia Đông Âu phải đáp ứng nếu muốn trở thành thành viên NATO.

"Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng chúng tôi sẽ đạt được thống nhất và đưa ra thông điệp mạnh mẽ về Ukraine", Reuters dẫn lời ông Stoltenberg nói với các phóng viên.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết trên Twitter rằng đã có sự đồng thuận giữa các đồng minh NATO về việc loại bỏ MAP, nhưng nói thêm: "Đây cũng là thời điểm tốt nhất để tuyên bố rõ ràng về lời mời Ukraine trở thành thành viên".

Điện Kremlin đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn trước hội nghị ở Vilnius, nói việc kết nạp Ukraine vào liên minh trong tương lai sẽ là mối đe dọa đối với Nga và Moscow sẽ phản ứng rõ ràng và kiên quyết. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Nga cho rằng Mỹ đang đẩy NATO đến thế đối đầu "bất lợi nhất" với Moscow bằng các quyết định dự kiến sẽ được thông qua tại Lithuania.

Lính tiền tuyến hy vọng Ukraine gia nhập NATO

Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết Washington đang chuẩn bị để đưa ra các quyết định "chống Nga" tại hội nghị thượng đỉnh của NATO. "Tình hình tiếp tục trượt dốc theo hướng bất lợi nhất trong cuộc đối đầu giữa Liên bang Nga và các thành viên của liên minh", ông Antonov cho biết trong một bài đăng trên kênh Telegram của đại sứ quán.

Kế hoạch phòng thủ toàn diện

Cũng theo Reuters, các thành viên NATO hôm 10.7 đã đạt được đồng thuận về một bộ kế hoạch phòng thủ toàn diện, trong đó vạch ra cách thức liên minh ứng phó với bất cứ cuộc tấn công nào từ Nga trong tương lai.

Trong nhiều thập niên, NATO cho rằng không cần vạch các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn và cảm thấy nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu nữa. Song với cuộc chiến lớn nhất châu Âu kể từ năm 1945 đang diễn ra ở Ukraine, giờ đây NATO cảnh báo họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi xung đột với một đối thủ ngang hàng như Moscow có thể nổ ra.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cản trở NATO thông qua các kế hoạch như vậy - liên minh gọi là "kế hoạch khu vực" - vì cách diễn đạt liên quan đến các vị trí địa lý như Cyprus. Song Ankara "đã phải thỏa hiệp" và chấp nhận các kế hoạch, một nhà ngoại giao nói với Reuters.

NATO tập trung quân bảo vệ hội nghị thượng đỉnh quan trọng

Thông qua việc phác thảo các kế hoạch khu vực, NATO cũng sẽ giúp các quốc gia có được định hướng trong việc nâng cấp lực lượng và năng lực hậu cần của họ. Nhu cầu về nguồn kinh phí cho sự thay đổi căn bản này là một trong những lý do khiến các nhà lãnh đạo quyết định nâng mục tiêu chi tiêu quân sự của liên minh tại Vilnius, khiến mục tiêu hiện tại là 2% GDP quốc gia trở thành yêu cầu tối thiểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.