Tham vọng internet vệ tinh 'phiên bản Đài Loan' như Starlink

19/05/2024 14:49 GMT+7

Đài Loan đang phát triển hệ thống vệ tinh internet nội địa đầy tham vọng, với mục tiêu duy trì kết nối với thế giới bên ngoài trong trường hợp bất trắc.

Mô hình tên lửa phóng vệ tinh của TASA

Mô hình tên lửa phóng vệ tinh của TASA

TASA

Ông Ngô Tôn Tín, Tổng giám đốc Cơ quan Không gian Đài Loan (TASA), cho biết chính quyền Đài Bắc đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm nỗ lực xây dựng mạng lưới vệ tinh viễn thông nội địa, theo Đài CNN.

Một khi được triển khai và vận hành, hệ thống hoạt động tương tự như mạng lưới vệ tinh Starlink do công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều.

Nguy cơ của mạng lưới internet trên đảo Đài Loan

Vị trí và địa hình địa chính trị đặc biệt của Đài Loan, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 160 km, tăng thêm tính cấp bách cho dự án đầy tham vọng trên.

Hiện dịch vụ internet trên hòn đảo dựa vào 15 tuyến cáp ngầm xuyên biển, kết nối Đài Loan với phần còn lại của thế giới. Thế nhưng, các tuyến cáp luôn đối mặt nguy cơ bị hư hại. Năm ngoái, một nhóm các đảo tiền tiêu bị đứt mạng trong nhiều tuần sau khi hai tuyến cáp ngầm kết nối với đảo chính Đài Loan bị phá hoại, theo báo The Japan Times.

Internet tốc độ cao đóng vai trò quan trọng cho hoạt động bình thường của bất kỳ xã hội nào. Tuy nhiên, trong trường hợp Đài Loan, hành động cố tình phá hoại cáp biển có thể mang đến hậu quả nghiêm trọng.

Viện Nghiên cứu Phòng thủ và An ninh của Đài Loan cảnh báo rằng nếu Trung Quốc cắt cáp xung quanh Đài Loan, hành động này có thể làm gián đoạn kết nối viễn thông và gieo rắc sự sợ hãi trên diện rộng cho người dân hòn đảo.

Nhu cầu cấp bách

Starlink sử dụng mạng lưới gồm hàng ngàn vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet cho người dùng trên khắp thế giới, bao gồm những khu vực không có mạng vì quá xa xôi hoặc ở vùng chiến sự.

Chẳng hạn, quân đội Ukraine đang sử dụng mạng Starlink trên các mặt trận với quân Nga. Còn ở Gaza, Starlink cho phép các nhân viên ở bệnh viện dã chiến tham vấn trực tuyến các bác sĩ ở nơi khác về những vấn đề y khoa.

Cỗng kết nối internet vệ tinh Starlink gần Bakhmut thuộc Donetsk (Ukraine) ngày 8.3.2023

Cỗng kết nối internet vệ tinh Starlink gần Bakhmut thuộc Donetsk (Ukraine) ngày 8.3.2023

REUTERS

Tuy nhiên, Đài Loan không có quyền truy cập vào Starlink do SpaceX cương quyết phải sở hữu phần kiểm soát trong liên doanh hợp tác nếu thành lập, điều đi ngược lại quy định của luật sở tại Đài Loan. Đó là một phần lý do chính quyền Đài Bắc quyết định phát triển công nghệ cung cấp internet vệ tinh nội địa.

"Internet vệ tinh đóng vai trò vô cùng quan trọng cho việc duy trì dịch vụ viễn thông của chúng ta trong những giai đoạn khẩn cấp", Đài CNN dẫn lời ông Ngô. Ông gọi đây là dự án nhạy cảm nhất của TASA từ trước đến nay, và được thực hiện vô cùng nghiêm túc.

Giới chức Đài Loan trước đó thông báo TASA phát triển hai vệ tinh viễn thông nội địa, với vệ tinh đầu tiên dự kiến được phóng vào năm 2026. Sau đó, chính quyền Đài Bắc tiếp tục hỗ trợ các công ty tư nhân phóng thêm 4 vệ tinh bổ sung.

Theo tính toán của các nhà phân tích, Đài Loan cần phóng hàng trăm vệ tinh vào không gian nếu muốn gầy dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ internet dự phòng không gián đoạn.

Ông Brad Tucker, nhà vật lý thiên văn của Đại học Quốc gia Úc, ước tính Đài Loan cần đến ít nhất 50 vệ tinh nếu muốn cung cấp dịch vụ internet trong tình huống khẩn cấp, và có thêm càng nhiều càng tốt.

Và trước khi Đài Loan đạt được năng lực internet vệ tinh, hòn đảo trong tương lai gần vẫn có thể dựa vào kết nối dự phòng theo quan hệ đối tác với OneWeb, mạng lưới viễn thông vệ tinh có trụ sở ở London và những hệ thống khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.