Tháo gỡ khó khăn vật liệu san lấp công trình trọng điểm phía nam

Nam Long
Nam Long
12/05/2024 05:22 GMT+7

Chiều 11.5, tại Vĩnh Long, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh về giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía nam.

Còn 26 triệu m3 cát chưa xác định được nguồn cung

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, cho biết giai đoạn 2021 - 2025, khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ triển khai thi công 16 dự án (DA), với tổng nhu cầu hơn 63 triệu m3 cát.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về nguồn vật liệu san lấp ở các công trình trọng điểm quốc gia phía nam

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về nguồn vật liệu san lấp ở các công trình trọng điểm quốc gia phía nam

NAM LONG

Cụ thể, DA cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu m3; đoạn Cần Thơ - Châu Đốc - Sóc Trăng cần 29 triệu m3; Cao Lãnh - An Hữu và Mỹ An - Cao Lãnh cần 6,35 triệu m3; đường Vành đai 3 TP.HCM cần 9,3 triệu m3.

Với vật liệu cát, nguồn cung đảm bảo chất lượng tập trung tại các tỉnh sông Tiền và sông Hậu đi qua; trong đó trữ lượng lớn có tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Tiền Giang. Đến nay đã xác định được nguồn cung cho 37 triệu m3, còn thiếu 26 triệu m3 chưa xác định được nguồn, cấp bản xác nhận 29,5/37 triệu m3, đủ điều kiện khai thác 18,3 triệu m3.

Công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

NAM LONG

Bộ TN-MT đã hoàn thành DA đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các DA đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL và bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh có 7 mỏ cát và 2 mỏ xin gia hạn, đảm bảo đủ cho DA trọng điểm đi qua địa bàn. Về cát biển, có 6 khu mỏ, trữ lượng 13,9 tỉ m3 nhưng thẩm quyền cấp phép không thuộc tỉnh. Vì vậy, Sóc Trăng đề nghị Bộ TN-MT hướng dẫn tỉnh lập thủ tục cấp phép thẩm quyền sử dụng các mỏ cát biển.

Về nguồn vật liệu từ nạo vét, tại An Giang, sản phẩm thu hồi từ 2 DA nạo vét thông luồng nhánh sông Tiền (rạch Cù lao Giềng, thuộc H.Chợ Mới, An Giang) và nhánh sông Tiền (Cù lao Tây thuộc ranh giới H.Chợ Mới, An Giang và H.Thanh Bình, Đồng Tháp) dự kiến khoảng 2 triệu m3. Tại Bến Tre, sản phẩm thu hồi từ DA nạo vét sông Ba Lai với trữ lượng khoảng 10 triệu m3.

Một mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm ở Vĩnh Long

Một mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm ở Vĩnh Long

DUY TÂN

Hiện nay, các DA nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm do các đơn vị thuộc Bộ GTVT quản lý (gồm 12 dự án, tổng khối lượng nạo vét khoảng 27 triệu m3). Tuy nhiên chưa có đánh giá về chất lượng có đảm bảo sử dụng cho đắp nền đường cao tốc, trong đó 5 DA đang ở bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi và 7 DA (thuộc trường hợp chuyển tiếp) đang rà soát hồ sơ đề xuất thực hiện.

Bộ GTVT kiến nghị tỉnh Vĩnh Long phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân cản trở việc khai thác cát đối với 3 mỏ cát trên địa bàn tỉnh để đưa vào khai thác trước ngày 15.5. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ tăng công suất đối với các mỏ cát, hỗ trợ thủ tục để khai thác trở lại mỏ cát, gia hạn để phục vụ các DA trọng điểm...

Không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã nêu những khó khăn và kiến nghị về khai thác cát sông phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia; chủ trương đưa cát biển vào sử dụng...

Công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 2

Công trường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau - 2

NAM LONG

Riêng DA vành đai 3 TP.HCM còn thiếu khoảng 3 triệu m3 cát, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu TP.HCM, Ban quản lý DA, nhà thầu và tỉnh Tiền Giang... cần rút ngắn thời gian cấp phép theo cơ chế đặc thù, không để chậm trễ nguồn vật liệu san lấp cho DA này trước 15.6.

Phó thủ tướng nêu rõ sẽ yêu cầu Bộ GTVT phân cấp thẩm quyền cho địa phương về nạo vét các tuyến sông, nhằm thực hiện thuận lợi lưu thông đường thủy và sử dụng nguồn vật liệu này cho các công trình trọng điểm. Phó thủ tướng cũng đã chủ trì cùng các bộ, ngành nêu phương án tháo gỡ khó khăn của các địa phương về nguồn vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm.

Khai thác cát tại mỏ cát trên sông Cổ Chiên, thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Khai thác cát tại mỏ cát trên sông Cổ Chiên, thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long

NAM LONG

Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã có buổi gặp gỡ với người dân có ảnh hưởng tại 3 mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm tại H.Trà Ôn, Vĩnh Long.

Tại buổi gặp gỡ, người dân bày tỏ lo lắng việc khai thác cát sẽ khiến cho khu vực này xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến tài sản, đời sống người dân; mong muốn việc khai thác cát bảo đảm quyền lợi cho người dân, nên khai thác xa bờ, giữa lòng sông để tránh sạt lở.

Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, đồng cảm với lo lắng của bà con. Phó thủ tướng giao cơ quan chuyên môn tiến hành thăm dò địa chất, kiểm tra lại các vấn đề người dân nêu ý kiến. Sau khi có kết quả phải công bố rộng rãi cho người dân, nhất là các vấn đề liên quan phương án, khu vực, độ sâu, công suất khai thác đối với các mỏ cát.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm ở Vĩnh Long

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khảo sát mỏ cát phục vụ công trình trọng điểm ở Vĩnh Long

NAM LONG

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, nhà nước chịu trách nhiệm cùng với người dân giám sát, nếu xảy ra sạt lở là phải ngưng ngay. Về phía nhà thầu, phải thực hiện việc bồi thường cho người dân. Nếu chúng ta làm đúng, khoa học, chặt chẽ thì bà con sẽ ủng hộ.

Phó thủ tướng rất mong bà con ủng hộ để tránh ảnh hưởng đến công trình trọng điểm của quốc gia, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.