Theo sát các biến đổi của virus cúm gia cầm H5N1

Liên Châu
Liên Châu
25/02/2023 17:52 GMT+7

Trước tình hình tỉnh biên giới Campuchia giáp Việt Nam có ca nhiễm cúm gia cầm H5N1 tử vong, chuyên gia khuyến cáo không chỉ các tỉnh phía nam cảnh giác, trong nước cũng cần ngăn ngừa nguy cơ.

TP.HCM chỉ đạo khẩn phòng chống bệnh cúm A:H5N1

Về nguy cơ ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm (cúm A/H5N1) tại Việt Nam, chuyên gia về y tế dự phòng của Bộ Y tế cho hay, nguy cơ xâm nhập ca bệnh là có thể, như với các bệnh truyền nhiễm khác. 

Tuy nhiên, trong nước cũng cần chủ động giám sát vì đây là virus cúm trên gia cầm lây sang người, do đó, trước tiên cần giám sát cúm dịch trên gia cầm. 

Nếu có dịch trên gia cầm cần dập dịch nhanh chóng, hiệu quả, không để bùng phát. Vì khi dịch bùng phát trên gia cầm thì nguy cơ virus lây lan sang người cũng dễ dàng hơn, do gia cầm được chăn nuôi gần với nơi sinh sống của người. 

  Theo sát các biến đổi của virus cúm gia cầm H5N1 - Ảnh 1.

Chuyên gia về y tế dự phòng quan tâm về sự biến đổi của virus cúm gia cầm (ảnh minh họa)

REUTERS

Theo chuyên gia, Việt Nam vẫn duy trì giám sát các ca bệnh đường hô hấp do nhiễm cúm. Các nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H5N1 có biến đổi, nhưng đây cũng là đặc tính của virus cúm nói chung, và hiện chưa ghi nhận các biến đổi bất thường của virus cúm A/H5N1. Nhưng cần lưu ý, điều kiện thuận lợi làm tăng tính thay đổi của virus cúm là do người sống gần các loại gia cầm nuôi.

Về độc lực, cúm A thường có độc lực cao hơn so với cúm B. Bệnh cúm A/H5N1 hiện thuộc nhóm A trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Theo Bộ Y tế, dịch cúm gia cầm thường tập trung vào các tháng mùa đông - xuân, khi thời tiết lạnh, ẩm. Tuy nhiên, vẫn có các ca bệnh xảy ra vào các thời gian khác trong năm, phụ thuộc vào tình hình dịch trên đàn gia cầm tại địa phương.

Gần đây nhất, tháng 10.2022, trong nước ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm là bệnh nhân 5 tuổi (ở Phú Thọ). Đây là ca bệnh cúm gia cầm trên người mới nhất tại Việt Nam kể từ tháng 2.2014. Lãnh đạo Bộ Y tế khi đó đã đề nghị ngành y tế các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp người nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, xử lý sớm, triệt để ổ dịch tại các địa phương. Đồng thời phối hợp với ngành thú y địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh cúm trên gia cầm để có các biện pháp dự phòng lây sang người và chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đáp ứng. 

Từ năm 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm.

Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện:

Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.