Thủ tục cấp sổ đỏ đất tranh chấp như thế nào?

Ngân Nga
Ngân Nga
08/01/2024 11:17 GMT+7

UBND xã niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp tại trụ sở và khu dân cư nơi có đất, nếu hòa giải thành xem xét hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ).

Đất của gia đình tôi đang ở là đất của gia tộc, được hưởng từ thừa kế của cha mẹ để lại. Nhưng do trước kia, cha mẹ tôi không làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nên đến nay gia đình tôi chưa có sổ đỏ.

Tôi dự định đi làm thủ tục cấp sổ đỏ. Hiện, một hộ giáp ranh với đất nhà tôi nhưng không có ở địa phương, họ đang ở nước ngoài; còn hộ khác lấn chiếm đất của nhà tôi nên hai bên tranh chấp mấy năm nay.

Vậy khi làm thủ tục cấp sổ đỏ, tôi có cần xin chữ ký giáp ranh xác nhận không có tranh chấp của các hộ xung quanh hay không? Nếu các hộ này không đồng ý ký giáp ranh thì chính quyền có cấp sổ đỏ cho tôi không, thủ tục là gì? Tôi cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

Bạn đọc Vũ Hải.

Luật sư tư vấn

Theo luật sư Hoàng Kim Minh Châu (Giám đốc Công ty luật TNHH CBM và cộng sự), việc ký giáp ranh không phải là thủ tục trong trình tự giải quyết yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), mà chỉ là một bước để xác định khu đất không có tranh chấp, nhằm thỏa mãn điều kiện được giải quyết hồ sơ.

Thủ tục cấp sổ đỏ đất tranh chấp như thế nào?- Ảnh 1.

UBND cấp xã sẽ niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp

NGÂN NGA

Trường hợp của bạn bắt buộc phải xác định tình trạng tranh chấp. Hiện một chủ đất liền kề đang có tranh chấp với đất của bạn và một chủ đất khác bạn không liên hệ được, thì khó có được chữ ký của họ.

Do vậy, khi bạn nộp hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ, căn cứ theo điều 70 Nghị định 43 năm 2014, UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất sẽ niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp… tại trụ sở UBND và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày. Sau đó, UBND sẽ xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh (nếu có).

Bên cạnh đó, tại điều 11 và khoản 3 điều 12 Thông tư 25 năm 2014 của Bộ Tài nguyên - Môi trường, việc xác định ranh giới thửa đất, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với công chức địa chính cấp xã (hoặc cán bộ thôn, tổ dân phố để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan.

Rồi từ đó, cán bộ đo đạc đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng cọc, vạch sơn… và lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất. Đồng thời, cán bộ yêu cầu người sử dụng đất xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).

Khi xác định ranh giới thửa đất của bạn để đo vẽ chi tiết, phải có mặt của những người hàng xóm chủ đất liền kề, nếu họ vắng mặt thì phải niêm yết công khai trong vòng 15 ngày.

Trường hợp hết thời hạn niêm yết mà hàng xóm không có tranh chấp, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết yêu cầu đề nghị cấp sổ đỏ cho bạn.

Trường hợp trong thời gian niêm yết, hàng xóm không chịu ký giáp ranh với lý do đang tranh chấp, hoặc có yêu cầu giải quyết tranh chấp thì UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất hòa giải. Lúc này, thủ tục đề nghị cấp sổ đỏ sẽ tạm dừng.

Nếu hòa giải thành thì kết thúc tranh chấp, UBND sẽ xem xét cấp sổ đỏ cho bạn. Nếu hòa giải không thành, thì bạn hoặc bên có tranh chấp có quyền gửi đơn khởi kiện tại tòa án…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.