Tổng giám đốc Việt Á: 'Mong được giải đáp thắc mắc, đi tù cũng thoải mái hơn'

15/05/2024 15:16 GMT+7

Tổng giám đốc Công ty Việt Á cho rằng không nâng khống giá kit test mà thực hiện theo nguyên tắc 'thuận mua vừa bán'. Tuy nhiên, quan điểm này bị viện kiểm sát bác bỏ.

Ngày 15.5, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ "đại án" kit test Việt Á, xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng một số bị cáo khác.

Trong số các bị cáo hầu tòa hôm nay có Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á). Hồi tháng 1, bị cáo Việt bị TAND TP.Hà Nội tuyên tổng hình phạt 29 năm tù về 2 tội vi phạm đấu thầu và đưa hối lộ.

Bị cáo kháng cáo, mong tòa phúc thẩm xem xét lại bối cảnh vụ án, bản chất hành vi phạm tội cũng như cách xác định thiệt hại, để cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Tổng giám đốc Việt Á: 'Mong được giải đáp thắc mắc, đi tù cũng thoải mái hơn'- Ảnh 1.

Bị cáo Phan Quốc Việt được cảnh sát dẫn giải tới tòa

PHÚC BÌNH

Nâng khống giá hay "thuận mua vừa bán"?

Bản án sơ thẩm xác định Tổng giám đốc Công ty Việt Á cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 1.200 tỉ đồng thông qua hành vi vi phạm đấu thầu. Đây là số tiền chênh lệch giữa giá trị thật của kit test theo tính toán của cơ quan điều tra (hơn 143.000 đồng/kit) nhưng đã bị nâng khống giá thành hơn 470.000 đồng/kit.

Tại tòa, Phan Quốc Việt cho rằng nếu xảy ra sai phạm tại trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh, thành thì chỉ là đồng phạm chứ không phải chủ mưu, các CDC cũng phải có trách nhiệm bồi thường chứ không thể quy cho một mình bị cáo.

Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bạc tóc hầu tòa phúc thẩm đại án Việt Á

Bị cáo nói không thể cáo buộc Công ty Việt Á bán kit test với giá bị nâng khống, vì thực tế đây là loại hàng hóa Nhà nước không áp giá, theo cơ chế thị trường "thuận mua vừa bán".

Thấy vậy, hội đồng xét xử yêu cầu Tổng giám đốc Công ty Việt Á hạch toán các chi phí sản xuất để chứng minh giá thành sản phẩm là hơn 470.000 đồng/kit mà công ty này đã bán cho các cơ sở y tế. Trả lời, bị cáo cho hay, "Việt Á công bố giá, đơn vị nào đồng ý thì mua, sau đó Việt Á nộp thuế cho Nhà nước. Đây là mặt hàng Nhà nước không áp giá nên bị cáo thấy không có nghĩa vụ chứng minh các khoản chi phí sản xuất".

Tham gia xét hỏi, đại diện viện kiểm sát đề cập đến công văn của Bộ Tài chính xác định lợi nhuận tối đa được phép của mặt hàng kit test là không quá 5%. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt nói "chưa bao giờ nghe, không biết, cũng không ai thông báo".

Kiểm sát viên sau đó đặt vấn đề, nguồn gốc kit test Việt Á có được từ đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng nguồn kinh phí nghiên cứu từ ngân sách, là tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước. Tuy vậy, bị cáo Việt đã thông đồng với một số bị cáo khác để chiếm dụng, biến tài sản này thành của riêng công ty.

"Vậy nên, không thể nói là cơ chế thị trường, muốn bán giá bao nhiêu thì bán. Có phải của anh không? Mấu chốt của vấn đề là đề tài của Nhà nước, và anh chiếm đoạt nó", kiểm sát viên nghiêm nghị.

Tổng giám đốc Việt Á: 'Mong được giải đáp thắc mắc, đi tù cũng thoải mái hơn'- Ảnh 2.

Các bị cáo trong vụ án kit test Việt Á tại tòa ngày 15.5

PHÚC BÌNH

Hàng trăm tỉ trong sổ tiết kiệm có nguồn gốc từ đâu?

Trình bày sau đó, bị cáo Phan Quốc Việt tiếp tục mong được xem xét đến bối cảnh phạm tội. "Đến bây giờ cũng không được ai hướng dẫn là nếu đúng ra, bị cáo phải chống dịch như nào để không phạm luật. Nhân đây tại tòa, xin tòa giải đáp thắc mắc này, để bị cáo có đi tù tâm lý cũng thoải mái hơn", Tổng giám đốc Công ty Việt Á nói.

Cũng liên quan đến vụ án, ngoài Phan Quốc Việt, mẹ và vợ bị cáo này cũng có đơn kháng cáo đề nghị hủy kê biên 54 sổ tiết kiệm với tổng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Số tài sản này bị tòa sơ thẩm xác định là tài sản có được từ việc bán kit test Việt Á nên cần bị kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.

Giải thích về nguồn gốc số tiền nêu trên, Phan Quốc Việt cho biết đây là tiền bị cáo trả nợ mẹ, có được từ hoạt động khác của Công ty Việt Á. Thực tế, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhiều loại hàng hóa chứ không chỉ sản phẩm kit test Covid-19.

Tổng giám đốc Công ty Việt Á khẳng định số tiền trên không liên quan đến việc hưởng lợi từ vụ án. Tuy nhiên, đại diện viện kiểm sát công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, cho thấy số tiền chuyển vào sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo "là tiền có được từ bán kit test".

Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nộp thêm 1 tỉ đồng

Trả lời thẩm vấn, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi như bản án sơ thẩm cáo buộc, không bào chữa thêm. Trong phần trả lời ngắn gọn gần 1 phút, ông Long cho hay đã tác động gia đình nộp thêm 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Tại giai đoạn sơ thẩm, ông Long đã nộp lại toàn bộ số tiền 2,25 triệu USD bị cáo buộc nhận hối lộ.

Một bị cáo khác là Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH-CN), cũng nộp thêm 50 triệu đồng, ngoài số tiền 350.000 USD đã khắc phục tại giai đoạn sơ thẩm. Bị cáo còn nộp thêm một số bằng khen, kỷ niệm chương, hoạt động từ thiện... để mong được xem xét giảm nhẹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.