TP.HCM hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
06/10/2023 15:03 GMT+7

Sáng 6.10, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và tổ chức Taiwan Fund for Children and Families tổng kết chương trình hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại TP.HCM, giai đoạn 2022 - 2023.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong giai đoạn đầu đời đóng vai trò quan trọng, là tiền đề cho sự phát triển não bộ của trẻ trong tương lai.

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1437 phê duyệt đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng từ năm 2018 - 2025. Trong giai đoạn 2022 - 2023, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp tổ chức Taiwan Fund for Children and Families và nhiều đơn vị khác triển khai chương trình hỗ trợ học bổng và dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

TP.HCM hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 1.

Khám dinh dưỡng cho trẻ em trên địa bàn Q.Tân Phú

Đ.N

Theo đó, tổng kinh phí của dự án đã chi cho các hoạt động hơn 1,7 tỉ đồng. Cụ thể, dự án tập trung phối hợp Q.Tân Phú hỗ trợ dinh dưỡng cho 1.570 lượt trẻ; phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, Trung tâm y tế Q.Tân Phú tổ chức khám dinh dưỡng cho 549 lượt trẻ. Qua đó biết có hơn 64% trẻ suy dinh dưỡng, nguy cơ suy dinh dưỡng và có các vấn đề về dinh dưỡng.

Ngoài ra, dự án cũng đẩy mạnh truyền thông thực hành dinh dưỡng; vãng gia (mô hình thăm trực tiếp hộ gia đình - PV), lập hồ sơ và tư vấn can thiệp; kết hợp khảo sát về nhu cầu, những khó khăn của trẻ và gia đình, qua đó kết nối chuyển gửi cho các dự án, cơ quan, đơn vị có khả năng xem xét hỗ trợ.

TP.HCM hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 2.

Dự án hỗ trợ dinh dưỡng cho 1.570 lượt trẻ em thông qua người chăm sóc trẻ

Đ.N

Đặc biệt, dự án đã phối hợp Phòng LĐ-TB-XH Q.Tân Phú thành lập Văn phòng tham vấn và cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ em khu vực Q.Tân Phú (tại Ban điều hành khu phố 3, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú).

Một số hạn chế của dự án được đề cập bao gồm tính di cư biến động của các gia đình, một số ca phải thay đổi do không còn sinh sống tại Q.Tân Phú và TP.HCM; việc sàng lọc và thẩm định còn mất nhiều thời gian; người chăm sóc trẻ chưa thường xuyên thông báo kịp thời tình trạng sử dụng dinh dưỡng của trẻ…

Dự án này sẽ được tiến hành, trình thành phố phê duyệt giai đoạn 2023 - 2026 với các hoạt động trọng tâm như hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tuổi, hỗ trợ duy trì phòng tham vấn, phối hợp hỗ trợ khám sàng lọc về sinh khỏe dinh dưỡng, thực hành dinh dưỡng.

Quyết định 1437 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng từ năm 2018 - 2025. Mục tiêu chung của đề án nhằm bảo đảm cho trẻ em đến 8 tuổi được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; được bình đẳng tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ chăm sóc phát triển toàn diện theo độ tuổi nhằm thực hiện các quyền của trẻ em, góp phần phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đánh giá rằng hầu hết trẻ em bị bỏ lỡ cơ hội trong giai đoạn đầu đời là những trẻ sống trong những cộng đồng thiệt thòi nhất (nhóm dễ bị tổn thương, hoàn cảnh đặc biệt). Các em có sức khỏe kém hơn, ít kỹ năng học tập hơn, mất đi nhiều cơ hội trong tương lai.

TP.HCM có hơn 1,8 triệu trẻ em, trong đó có hơn 10.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (như trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, trẻ em phải kiếm sống khi chưa hoàn thành phổ cập THCS, trẻ bị xâm hại...) và có hơn 19.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong khi đó, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề nguồn lực, nhân lực. Vì vậy rất cần sự chung tay của chính quyền, tổ chức, cá nhân để xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.