TP.HCM sắp xếp khu phố xong rồi mới sáp nhập quận, phường

11/08/2023 14:35 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhận định kết quả sắp xếp khu phố, ấp sẽ là tiền đề để thành phố sáp nhập quận, phường, xã trong 3 năm tới.

Sáng 11.8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn. Việc sắp xếp khu phố, ấp tại TP.HCM diễn ra cùng thời điểm với kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định kết quả sắp xếp khu phố, ấp sẽ là tiền đề để TP.HCM sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trong thời gian tới.

Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, có 6 đơn vị hành chính cấp huyện cần sắp xếp gồm các quận: 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận, cùng 142 đơn vị hành chính cấp xã.

TP.HCM sắp xếp khu phố xong rồi mới sáp nhập quận, phường - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị

NGUYÊN VŨ

Ông Phan Văn Mãi cho biết 6 quận và 142 đơn vị cấp xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích và dân số mới là kết quả rà soát bước đầu. TP.HCM sẽ tiếp tục rà soát lại theo các tiêu chí đặc thù và có thể một số đơn vị không phải sáp nhập quận, phường.

"Các công việc sắp tới cần thực hiện rất khẩn trương để khảo sát, lấy ý kiến nhân dân, chọn phương án phù hợp nhất, đảm bảo đúng quy định nhưng không gây quá nhiều xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, sinh hoạt của người dân", ông Mãi nói thêm.

Dự kiến tuần tới, Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP.HCM sẽ họp bàn về đề cương của đề án để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND TP.HCM trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.

"Việc này phải được chuẩn bị hết sức khẩn trương nhưng kỹ lưỡng và khoa học, đảm bảo tuân thủ quy định nhưng cũng đảm bảo ổn định và phát triển, có tính tới các chính sách trong quá trình phát triển nếu có", ông Mãi yêu cầu.

Đảm bảo chỗ sinh hoạt cho văn phòng khu phố

Về việc sắp xếp khu phố, ấp, lãnh đạo TP.HCM cho biết mô hình ấp, khu phố, tổ nhân dân, tổ dân phố được xây dựng và tồn tại ngay từ những ngày đầu thành lập chính quyền TP.HCM. Mô hình này có nhiều đóng góp thiết thực cho chính quyền cơ sở, thực hành mở rộng dân chủ cơ sở rất tốt.

Theo quy định của Đảng, của Chính phủ, TP.HCM sắp xếp lại mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn theo quy định thống nhất chung của cả nước, đồng thời triển khai kỹ lưỡng, khoa học để đạt kết quả cao.

Toàn TP.HCM có hơn 27.000 mô hình tổ chức dưới phường, xã với số lượng nhân sự tham gia lên đến 64.293 người. Sau khi sắp xếp, TP.HCM còn hơn 5.200 khu phố, ấp với tổng số nhân sự hoạt động khoảng 26.000 người.

Sắp tới, các địa phương sẽ ban hành các kế hoạch, phương án sắp xếp. Thành phố sẽ tổng hợp từ các quận, huyện, TP.Thủ Đức để tháng 12 trình HĐND và hoàn thiện việc sắp xếp theo kế hoạch trong quý 1/2024.

TP.HCM sắp xếp khu phố xong rồi mới sáp nhập quận, phường - Ảnh 2.

Người hoạt động ở tổ nhân dân tại xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh, TP.HCM hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường

C.T.V

Chủ tịch TP.HCM yêu cầu rà soát, giải quyết các vấn đề của người dân và doanh nghiệp, các thủ tục hành chính thuận lợi, hạn chế thấp nhất phiền hà cho người dân, các tổ chức; ứng dụng công nghệ để chuyển đổi hồ sơ.

Đối với trụ sở, người đứng đầu chính quyền TP.HCM lưu ý nguyên tắc chung là không làm phát sinh biên chế, quỹ tiền lương, trụ sở, các loại tài sản công. Tuy nhiên, các địa phương phải đảm bảo điều kiện tiên quyết, tối thiểu cho hoạt động của khu phố, ấp mới sau khi sắp xếp. "Nơi sinh hoạt của văn phòng ấp, khu phố phải có, còn cách sắp xếp như thế nào tùy điều kiện địa phương", ông Mãi cho hay.

Về cách đặt tên khu phố, ấp mới, Sở Nội vụ TP.HCM hướng dẫn nên đặt tên theo số thứ tự (ví dụ khu phố 1, 2, 3), không nên đặt tên chữ để tránh sửa đổi bổ sung không theo thứ tự và dễ thống kê.

Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định 4 điều kiện đặc thù không cần phải sắp xếp:

Đơn vị hành chính có vị trí biệt lập và khó tổ chức giao thông kết nối thuận lợi với các đơn vị hành chính liền kề.

Đơn vị hành chính có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào.

Đơn vị hành chính có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán riêng biệt mà nếu sắp xếp với đơn vị hành chính liền kề khác sẽ dẫn đến mất ổn định về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đơn vị hành chính nông thôn thuộc diện sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phát triển thành đơn vị hành chính đô thị trong giai đoạn 2023 - 2030, có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.