Trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt

29/10/2013 09:14 GMT+7

Những tháng cuối năm là thời điểm thú vị cho hành trình bằng xe gắn máy trên đường Nha Trang - Đà Lạt, cung đường mà từ khi hình thành đã được người ta gọi với cái tên là “đường nối biển và hoa”.

Trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt

Cung đường nối thành phố biển Nha Trang và thành phố hoa Đà Lạt

 Trên cung đường Nha Trang - Đà Lạt1

Biệt thự giữa đồi thông dọc bên đường Nha Trang - Đà Lạt

Trước đây, để đi từ thành phố biển Nha Trang lên thành phố hoa Đà Lạt, du khách phải đi theo lộ trình đường bộ Nha Trang - Phan Rang (Ninh Thuận) - Đà Lạt, với tổng chiều dài khoảng 230 km. Năm 2002, lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã thống nhất chủ trương mở tuyến đường nối hai thành phố du lịch nổi tiếng này nhằm rút ngắn khoảng cách giữa Nha Trang và Đà Lạt. Từ khi khai thông, tuyến đường đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh. Cung đường dài khoảng 140 km cũng trở thành lựa chọn thú vị cho những ai thích khám phá, trải nghiệm.

“Cưỡi xe máy vi vu vẫn là thú vị nhất” - Những người có kinh nghiệm “phượt” qua cung đường này hàng chục lần đã nói như thế. Nha Trang mùa này vẫn nắng nóng nhưng trước khi xuất phát, bạn nên chuẩn bị áo khoác cho “chặng đường sương mù”. Cũng đừng quên đem theo bộ đồ nghề sửa xe để có thể tự mình giải quyết những sự cố, vì đường khá vắng vẻ nên sẽ mất nhiều thời gian để ngồi đợi trợ giúp, và sẽ là cực hình nếu phải dắt xe cả chục cây số cho đến khi nhìn thấy trên vách đá số điện thoại “sửa xe di động”. Những số điện thoại hiếm hoi này chỉ xuất hiện khi bạn đã lên đến đỉnh núi, là ranh giới hai tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng, vì lưng chừng núi thường không có sóng. Tất nhiên, đó chỉ là những sự cố hi hữu và nhiều khi thách thức càng làm cho hành trình thêm phần thú vị.

Tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt phần lớn là đường đèo, có nhiều khúc cua hiểm trở, vách đá cao và vực sâu tạo nên phong cảnh hùng vĩ, hoang sơ. Có thể cảm nhận rõ điều này khi vượt qua những con dốc vắt ngang dãy núi cứ cao dần trước mắt. Đường vừa đi qua, ngoái lại đã thấy mỏng te, ngoằn ngoèo như sợi chỉ giữa trập trùng núi non. Những tháng cuối năm, hoa đót đua nhau bung nở trên những sườn núi. Khi ngang qua địa phận xã Sơn Thái (H.Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), bạn rất dễ bắt gặp nhiều người dân tộc Raglai đang hái đót về bán. Người dân thân thiện và thường trở thành nhân vật chính trong những bức ảnh của những ai ngang qua nơi này.

Đến đèo Hòn Giao (H.Khánh Vĩnh), dài khoảng 30 km, nằm ở độ cao 1.000 - 1.500 m so với mực nước biển, có thể cảm nhận nhiệt độ thay đổi thấy rõ. Cái lạnh xuất hiện và sương mù giăng phủ bạc trắng một màu. Dừng xe tại đỉnh đèo (là ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa) giữa lớp sương mù giăng kín lối đi, bạn có thể nghe tiếng thú rừng kêu, tiếng suối chảy, cũng có cả tiếng xe máy cài số một, mệt nhọc rú rít từng cơn đang “bò” ở lưng chừng núi dưới kia. Vào mùa này tại đây, có những ngày sương mù bao phủ cả buổi trưa và cuối giờ chiều càng sà xuống thấp hơn. Người đi đường phải bật đèn xe mới thấy rõ phía trước. Từ đỉnh núi, chạy xe thêm khoảng 10 km nữa, bầu trời lại hửng nắng, trong xanh. Ngang qua địa bàn H.Lạc Dương (Lâm Đồng), du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà - nơi có tài nguyên sinh học đa dạng bậc nhất Việt Nam. Đoạn đường này có nhiều suối, thác chỉ nằm cách đường vài mét. Trên đường vào TP.Đà Lạt, bạn có thể cảm nhận được sự yên bình đến lạ kỳ của cuộc sống dọc hai bên đường, kể cả khi bạn đang phóng tầm mắt về phía những ngôi nhà nhỏ xinh xắn của đồng bào miền núi nằm lặng lẽ phía xa xa hay đang chiêm ngưỡng những biệt thự thơ mộng giữa đồi thông.

Đã là người mê khám phá những cung đường mới thì bạn không thể bỏ qua cung đường nối biển và hoa.

Nguyễn Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.