Vẫn tranh luận đổi tên thẻ căn cước công dân

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/08/2023 06:18 GMT+7

Các đại biểu Quốc hội vẫn còn ý kiến khác nhau về đề xuất đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước.

Sáng 28.8, báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết vấn đề đổi tên luật thành luật Căn cước, đồng thời đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước vẫn còn ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra) nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc đổi tên luật và tên thẻ CCCD.

Vẫn tranh luận đổi tên thẻ căn cước công dân  - Ảnh 1.

Người dân làm CCCD gắn chíp tại Công an Q.Bình Tân (TP.HCM)

Nhật Thịnh

Nhiều đề nghị giữ tên CCCD

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch QH Trần Quang Phương cho rằng về tên gọi của luật, tại kỳ họp thứ 5, có 17 ý kiến nhất trí đổi tên gọi thành luật Căn cước như Chính phủ trình và đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của người gốc VN, đánh giá kỹ tác động về đối tượng điều chỉnh, kinh phí. Ngược lại, 22 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên luật là luật CCCD, đồng thời quy định việc cấp giấy tờ phù hợp cho đối tượng người gốc Việt đang sinh sống ở VN tại các điều khoản thi hành.

"Qua thảo luận tại phiên họp thứ 25 ngày 18.8 vừa qua, đa số Ủy ban Thường vụ QH chọn phương án giữ tên luật CCCD; đồng thời chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đánh giá khách quan ưu, nhược điểm của từng loại ý kiến và xin ý kiến ĐB chuyên trách tại hội nghị này", ông Phương cho hay. Cũng theo Phó chủ tịch QH, về tên gọi thì đa số Ủy ban Thường vụ QH chọn tên thẻ là thẻ CCCD và đề nghị các ĐB thể hiện rõ quan điểm của mình trong vấn đề tên luật cũng như tên thẻ CCCD.

Trong số 9 ĐBQH thảo luận sau đó, nhiều ĐB bày tỏ đồng tình với phương án đổi tên luật cũng như tên thẻ CCCD thành căn cước. Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), việc đổi tên là phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng bao gồm cả người gốc Việt đang sinh sống tại VN nhưng chưa xác định được quốc tịch. "Hiện chỉ có 31.000 người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch, chỉ chiếm 0,031% tổng dân số nhưng không phải vì chỉ chiếm số phần trăm ít ỏi mà những người này bị bỏ qua", bà Nga lập luận và cho rằng nếu giữ tên luật CCCD và cấp giấy chứng nhận căn cước đối với 31.000 người gốc Việt nói trên với thời hạn 1 năm thì sẽ phát sinh thủ tục hành chính, vì cứ mỗi năm lại phải xin giấy chứng nhận mới.

Ngược lại, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của QH Tạ Văn Hạ cho rằng: "Luật chúng ta quy định là cho đại bộ phận chứ không phải cho một bộ phận nhỏ. Tôi nghĩ cần cân nhắc kỹ hơn việc đưa một bộ phận 31.000 người gốc Việt chưa có quốc tịch vào luật này. Tôi cũng nghĩ thậm chí ghi giấy chứng nhận người gốc Việt chứ không phải là giấy chứng nhận căn cước… Không thể đưa 2 đối tượng một bên có quốc tịch VN, một bên không phải quốc tịch VN vào luật này".

Lo kẹt kinh phí cho lực lượng an ninh cơ sở

Cùng ngày, thảo luận về dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, nhiều ý kiến ĐBQH vẫn bày tỏ lo lắng về kinh phí cho lực lượng mới với quân số tới 300.000 người mà Chính phủ đề nghị thành lập.

Không để luật tạo ra sơ hở, gây ách tắc

Phát biểu khai mạc hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 28.8, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết hội nghị sẽ cho ý kiến vào 8 dự án luật rất quan trọng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhân dân và ĐBQH.

Chủ tịch QH cũng đặc biệt nhấn mạnh phải xem xét kỹ các điều khoản áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp cũng vì "nếu không đầy đủ, rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn ách tắc, bất cập, sai lệch trong quá trình thực hiện luật".

"Vấn đề nằm lòng là không để các quy phạm pháp luật có sơ hở, có thể tạo ra tham nhũng, tiêu cực, gây ra những thất thoát, ách tắc hoặc là chỉ tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước, đẩy cái không thuận, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp", Chủ tịch QH nhấn mạnh.

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói rất băn khoăn về kinh phí. ĐB tính toán, với 300.000 người, dù dự luật không ghi rõ trả bao nhiêu, nhưng nếu mỗi người được trả bằng mức lương cơ sở khoảng 1,8 triệu đồng thì tổng kinh phí là 540 tỉ đồng/tháng. Chia đều cho 63 tỉnh, thành thì trung bình mỗi tỉnh, thành cần 8,4 - 8,5 tỉ đồng/tháng. "Đây mới là phần cứng. Phần cứng tiếp theo là chi hỗ trợ BHYT, BHXH tự nguyện cho lực lượng này. Đây cũng là một khoản lớn", ông Hòa phân tích.

Ông Hòa cũng nêu lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương hiện tương đối giống với chế độ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang xây dựng song không hưởng lương, phụ cấp hằng tháng, còn lực lượng này có lương hằng tháng, ngoài ra còn bồi dưỡng. ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh nguồn lực đảm bảo cho lực lượng này là vấn đề ông "băn khoăn nhiều nhất". Ông đề nghị phải tính toán lại nguồn lực để bảo đảm tính khả thi. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.