Vang mãi tiếng rừng xưa

Nguyên Hạ
Tây Ninh
20/12/2023 15:00 GMT+7

Chiếc xe đưa đoàn văn nghệ sĩ thuộc Hội Văn học nghệ thuật Tây Ninh dừng lại trước khu di tích lịch sử, nơi ghi dấu tội ác của bọn Khmer Đỏ - đã giết hại đồng bào ta trong chiến tranh biên giới Tây Nam…

Trời vẫn mưa không dứt. Gió thổi mạnh, những ngọn cây dầu oằn mình, ngả nghiêng theo chiều gió tạo ra một thứ âm thanh đặc trưng của rừng. Có lẽ rừng xưa đang vẫy gọi ta về. Mặc cho mưa gió đầy trời, không nghe ai than lạnh, chỉ thấy lòng xót xa và cảm xúc dâng trào, nhất là ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 đã cận kề.

Vang mãi tiếng rừng xưa - Ảnh 1.

Cổng vào khu di tích

Nguyên Hạ

Mọi người phải bước lên 5 bậc tam cấp mới tập trung đông đủ trên nền cao. Tấm bia chứng tích đã nhuốm màu thời gian, có đôi chỗ bong tróc nhưng các biểu tượng khắc họa trên bia vẫn tươi hồng như thuở nào

Lúc này, một anh trong đoàn cầm bó nhang cùng với hai người bạn nữa, một bật quẹt đốt bó nhang, một dùng khăn rằn che gió, che mưa. Để rồi mỗi người có được một nén nhang khấn nguyện cho những người đã nằm xuống. Không ai bảo ai mà như đã nói với nhau thật nhiều về những mất mát tang thương quá lớn, để mỗi khi nhắc lại ai cũng cảm thấy xót xa lòng.

Được biết, lúc 0 giờ 15 phút ngày 25.9.1977, quân đội của Pol Pot đồng loạt tấn công nhiều khu vực thuộc huyện Bến Cầu, Tân Biên... thuộc tỉnh Tây Ninh. Chúng cướp của, giết người một cách dã man. Riêng xã Tân Lập huyện Tân Biên là nơi chúng tập trung đánh phá nặng nề và ác liệt nhất, sát hại 592 người dân vô tội. Trong đó có 20 gia đình bị giết sạch. Những căn hầm 16, 17 người trú ẩn, chúng quăng lựu đạn hoặc xả súng bắn trực tiếp hàng loạt để không ai sống sót. Những thầy cô giáo Trường phổ thông cấp một Tân Thạnh đang làm lồng đèn chuẩn bị cho học sinh vui tết trung thu đã bị chúng bắn, giết rồi quăng xuống giếng…

Trường học cách xa nhà dân, đúng hơn là dân cư thưa thớt. Nói là trường, thật ra đây chỉ là những phòng học tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá. Trời mưa lớn cũng chẳng biết tránh đâu cho khỏi ướt. Thế nhưng thầy cô giáo trẻ ngày ấy không ai than khó, kể khổ. Chỉ một lòng đem con chữ đến cho trẻ em nghèo. Cùng ăn, cùng ở với nhân dân, lúc rảnh rỗi họ không ngại xắn tay phát rẫy, làm nương cùng mọi người nên bà con ai cũng quý mến.

Vang mãi tiếng rừng xưa - Ảnh 2.

Giếng cũng xây bằng gạch, trên nắp có lư hương để mọi người tưởng niệm...

Nguyên Hạ

Sự việc xảy ra quá bất ngờ, không phải là người địa phương, không thuộc đường đi nước bước, họ biết phải chạy đi đâu. Chỉ nghe giặc đến là trốn. Trốn đâu được khi hầm hào không có đành phải chui xuống gầm bàn, chạy ra bụi rậm, nấp dưới giếng..., thế là bị giết.

Giờ đây, mọi thứ đã được xây dựng lại trang nghiêm hơn. Phía trước bia tưởng niệm có mái che để tiện cho khách tham quan trú mưa tránh nắng. Khi chúng tôi đến, lư hương chứa đầy chân nhang còn mới, chứng tỏ có nhiều người đến viếng. Tường rào chung quanh thật kiên cố. Nền trong khuôn viên lát gạch sạch sẽ. Những gốc cây dầu được xây bồn bằng xi măng chắc chắn. Giếng cũng xây bằng gạch, trên nắp có lư hương để mọi người tưởng niệm. Danh sách thầy cô giáo đặt cạnh giếng có ghi cả ngày tháng năm sinh, quê quán rõ ràng. Giờ này, nếu còn sống họ cũng đã lên chức ông, chức bà và đã nghỉ hưu bên con cháu. Phía ngoài khu chứng tích là bạt ngàn cao su mới trồng trên dưới 2 năm tuổi, đang vươn mình khép tán giữa không gian xanh, ấp ủ trong thân dòng nhựa trắng…

Hơn 40 năm qua, thân xác thầy cô đã hòa vào đất mẹ. Nhưng mỗi khi nhớ lại, lòng tôi vẫn cảm thấy ngậm ngùi. Bởi họ chết mà chưa kịp nói với người thân, bạn bè, kể cả những đứa học trò nghèo đến lớp còn vương mùi khét nắng của mình những lời sau cùng; chưa trao tận tay các em những chiếc lồng đèn vừa làm xong để ngày mai các em vui tết trung thu… Tôi hình dung lại cảnh tan hoang trong căn nhà tập thể mà thầy cô đang ở khi bọn chúng ra tay. Những tấm màn che trong phòng các cô rách te tua, phất phơ trong gió. Từng trang giáo án vương vãi trên nền nhà cạnh những chiếc lồng đèn đủ màu sắc gãy vụn, loang màu máu của các thầy cô. Và thân thể của họ có người không còn nguyên vẹn nữa…

Bây giờ, nơi các anh chị nằm là góc nhỏ bình yên bên quốc lộ 22B tráng nhựa phẳng lì, không như ngày nào nắng bụi mưa lầy; còn có bàn tay chăm sóc hằng tuần của các em học sinh Trường THCS Tân Lập, làm cho khu chứng tích ấm cúng hơn.

Năm tháng qua đi, mọi vết thương rồi cũng sẽ lành, nỗi đau mất mát người thân rồi cũng nguôi ngoai. Bia chứng tích là lời nhắc nhở tha thiết nhất cho lớp người sau, thế hệ kế tiếp biến đau thương thành sức mạnh để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Vang mãi tiếng rừng xưa - Ảnh 3.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.