Vi phạm giao thông nhưng bỏ xe, không đóng phạt sẽ bị tịch thu phương tiện

Trần Cường
Trần Cường
04/05/2024 09:27 GMT+7

Theo Bộ Công an, sau 1 tháng lực lượng chức năng gửi thông báo lần 2 mà người vi phạm không đến đóng phạt và nhận phương tiện vi phạm thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Thời gian qua, khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ rất nhiều phương tiện của người vi phạm, đặc biệt các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Nhiều trường hợp đã bỏ lại xe vì giá trị không bằng mức phạt phải nộp.

Trước tình trạng này, nhiều người đặt câu hỏi việc bỏ lại xe khi bị CSGT tạm giữ sẽ ảnh hưởng thế nào trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính sau này và người vi phạm giao thông không nộp phạt, bỏ lại xe của mình sẽ bị xử lý như thế nào?

Phương tiện chất đống, dây leo bò quấn quanh tại một bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông ở TP.HCM

Phương tiện chất đống, dây leo bò quấn quanh tại một bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông ở TP.HCM

TRẦN DUY KHÁNH

Trả lời thắc mắc này, Bộ Công an cho hay, về trách nhiệm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người vi phạm, tại điều 74 luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Cạnh đó, điều 86 luật này cũng quy định cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Chật cứng bãi tạm giữ xe vi phạm: Quá tải và lãng phí

Đối với xử lý phương tiện hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm hoặc chủ sở hữu không đến nhận đã quy định tại điều 126 của luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Điều 126 quy định trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.

Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

Lần thông báo thứ 2 được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất. Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ 2 nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

100% bãi giữ phương tiện vi phạm đang quá tải

Đại diện Cục CSGT (C08) Bộ Công an cho hay, tình trạng quá tải bãi tạm giữ phương tiện vi phạm đang không chỉ diễn ra ở các thành phố lớn, mà tại 100% các tỉnh, thành cũng như quận, huyện, thị xã.

Về nguyên nhân dẫn đến quá tải, theo đại diện C08, do người vi phạm không đến chấp hành các quyết định xử phạt, bỏ lại tài sản của mình.

Lấy ví dụ, một phương tiện sử dụng khoảng 10 - 15 năm, bán chỉ được khoảng 2 - 3 triệu đồng, tuy nhiên khi chủ xe vi phạm lỗi nồng độ cồn, bị phạt 7 triệu đồng thì họ sẵn sàng bỏ xe. Hành vi này khiến nhiều đơn vị quá tải, phải thuê bến bãi để lưu giữ phương tiện vi phạm. Có bãi có mái che, có bãi để phương tiện ngoài trời.

Song, để ngoài trời thì phương tiện nhanh hư hỏng mà để trong kho cũng tự hỏng, xập xệ, xuống cấp. Do đó, lực lượng CSGT mong được gỡ vướng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục thanh lý phương tiện vi phạm quá hạn không đến nhận để tránh quá tải bãi tạm giữ, tránh phải trả chi phí thuê bến bãi, cũng như hạn chế việc phương tiện bị xuống cấp, hư hỏng.

Theo thống kê của C08, trong quý 1 vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã đồng loạt ra quân, quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Qua đó, lực lượng đã phát hiện, xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 2.000 tỉ đồng và tạm giữ 373.545 phương tiện các loại, trong đó phần lớn là xe máy.

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 78.254 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 171 tỉ đồng và tạm giữ hơn 30.000 phương tiện các loại, trong đó có hơn 29.000 phương tiện là mô tô, xe máy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.