Việt Nam phấn đấu năm 2045, chất lượng giáo dục nghề thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN

Quý Hiên
Quý Hiên
11/02/2023 13:27 GMT+7

Theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc quy hoạch hướng tới mục tiêu năm 2045 chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN.

Ngày 10.2, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là quy hoạch).

Phấn đấu năm 2045 chất lượng đào tạo giáo dục nghề thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN - Ảnh 1.

Việt Nam phấn đấu năm 2045, chất lượng giáo dục nghề nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu ASEAN (trong ảnh là sinh viên Trường cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội tại một kỳ thi kỹ năng nghề quốc tế)

NGỌC VĂN

Trong 10 năm giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề công lập

Theo đó, một trong nhiều mục tiêu cụ thể mà quy hoạch hướng tới là tới năm 2045, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước phát triển, thu nhập cao; chất lượng đào tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực ASEAN; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030 là phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020; trong đó, giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Đến năm 2030, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020. Trong đó, giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.

Không thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

Một trong những giải pháp nhằm tổ chức thực hiện và giám sát, thực hiện quy hoạch là sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hình thành các trường chất lượng cao, trường thực hiện chức năng trung tâm vùng, trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao với quy mô đào tạo lớn; ngành, nghề, chất lượng đào tạo vượt trội, có tính chất dẫn dắt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Bên cạnh đó sẽ rà soát, sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Rà soát, sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập; sáp nhập các trường cao đẳng công lập trên cùng địa bàn có đa số các ngành, nghề đào tạo trùng nhau; giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả; duy trì hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm 100% chi thường xuyên.

Không thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trường hợp cần thiết phải thành lập mới thì cơ sở đó phải tự đảm bảo toàn bộ về tài chính; không hình thành trung tâm giáo dục nghề nghiệp tại các đơn vị hành chính cấp huyện đã có trường cao đẳng hoặc trường trung cấp công lập hoặc phân hiệu, cơ sở của trường cao đẳng hoặc trung cấp công lập đóng trên địa bàn.

Đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện theo phương án phát triển giáo dục nghề nghiệp được xác định trong quy hoạch cấp tỉnh.

Nhà nước ưu tiên đầu tư các trường chất lượng cao

Về đầu tư nhà nước với giáo dục nghề nghiệp, quan điểm của quy hoạch là ưu tiên ngân sách nhà nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy định; đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Vì thế, trong giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư, quy hoạch ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư các trường chất lượng cao, trường cao đẳng thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; đồng thời tập trung nguồn lực cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho các đối tượng đặc thù.

Tiếp tục thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân thông qua hỗ trợ về thuế, ưu đãi vốn vay, hỗ trợ bố trí đất để đầu tư, xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, đặc biệt trong việc hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm ASEAN-4 và G20.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.