'Vốn nằm ở ngân hàng 14 triệu tỉ đồng thì buồn chứ không vui'

14/03/2024 13:01 GMT+7

Ủng hộ các chính sách giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), song nhiều doanh nghiệp phản ánh lãi vay trong thực tế vẫn cao, chênh lệch khoản vay giữa các ngân hàng nhà nước và cổ phần tới 4 - 5%.

Chia sẻ tại hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ sáng 14.3, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), kiến nghị dứt khoát giải "bài toán thừa tiền" khi ngân hàng thừa tiền không cho vay được. Doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV muốn vay lại không vay được. NHNN đã họp nhiều nhưng chưa có giải pháp.
'Vốn nằm ở ngân hàng 14 triệu tỉ đồng thì buồn chứ không vui'- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa

NHẬT BẮC

Việc hạ thấp điều kiện cho vay vi phạm quy định quốc tế, ảnh hưởng đảm bảo an toàn hệ thống, nên phải tìm phương pháp khác. Ngân hàng không phải là nơi duy nhất cho doanh nghiệp vay, có thể là các gói hỗ trợ, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ sáng tạo… Bộ Tài chính có thể "bơm" tiền cho các quỹ, kiểm soát bằng cơ chế, bằng luật.

Đặc biệt, theo ông Thân, lãi suất cho vay bình quân là 6,4% nhưng thực tế ngân hàng cho vay bao nhiêu, hay vẫn 10%? Đề nghị ngành ngân hàng phải kiểm tra, mà các doanh nghiệp, hiệp hội cùng tham gia kiểm tra sẽ ra ngay và công khai toàn bộ mức lãi suất.

“Nợ cũ của doanh nghiệp phải được hưởng lãi suất mới, giảm bằng khoản vay mới”, ông Thân đề xuất thêm.

Dẫn kinh nghiệm từ thực tế, ông Thân cũng cho rằng NHNN và các hội sở ngân hàng phải kiểm soát chặt chẽ việc cho vay của các chi nhánh. Làm việc với cấp trên rất hay, nhưng đến các chi nhánh lại bị gây khó khăn.

"Câu chuyện ở đây là lãnh đạo NHNN phối hợp các hội sở ngân hàng để kiểm soát. Không thể vì cái vụn vặt này mà ảnh hưởng. Vốn nằm ở ngân hàng 14 triệu tỉ đồng thì buồn chứ không phải vui. Tiền dân gửi vào lãi suất thấp sẽ chuyển sang kinh doanh vàng bạc, rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tỷ giá tiền đồng", ông Thân chia sẻ.

Đề cập đến kinh tế ban đêm, lãnh đạo Hiệp hội DNNVV cho biết hiện mới triển khai ở các thành phố lớn. Trong khi 8 - 10 tiếng ban đêm sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề du lịch. “Các nước làm rồi sao ta không làm. Không nên sợ tiêu cực, về quản lý có công an, quản lý thị trường. Du khách Mỹ, châu Âu sang Việt Nam chênh múi giờ nhiều tiếng, thậm chí nửa ngày, phải cho người ta ăn chơi. Hiện nay 11 giờ đêm tuýt còi cấm bán hàng là rất lãng phí, trong khi Việt Nam là nước tiêu dùng”, ông Thân nêu.

Không hỗ trợ sẽ mất ngành sợi

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết sau đại dịch Covid-19, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Banglades, Thổ Nhĩ Kỳ đều có xu thế kích thích xuất khẩu và sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ.

Trong khi đó, hai năm 2022, 2023, tỷ giá hối đoái của hàng dệt may của Việt Nam đắt so với các quốc gia trong top 5 khoảng 15%, khiến doanh thu giảm 10%, là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may.

Về chính sách lãi suất và tín dụng, lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Trong khi đó ở Việt Nam mức vay trung bình với doanh nghiệp dệt may khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. “Việt Nam đang có lãi suất thực dương nhất trong các nước xuất khẩu dệt may”, ông Trường nói.

Với Vinatex, dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%; trên các hợp đồng tín dụng đến nay chưa thấy tổng lãi phải trả năm 2024 sẽ thấp đi so với năm 2023.

'Vốn nằm ở ngân hàng 14 triệu tỉ đồng thì buồn chứ không vui'- Ảnh 2.

Thủ tướng chủ trì hội nghị điều hành tiền tệ sáng 14.3

NHẬT BẮC

Đặc biệt, việc tiếp cận tín dụng với ngành sản xuất nguyên liệu rất khó. Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Cụ thể, lãi vay với doanh nghiệp nhóm sợi của ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cho vay khoảng 7%, ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước thì khoảng 9%.

“Tương tự như ngành hàng không, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định. Hiện ngành sợi có 10 triệu cọc sợi, giá trị tài sản đầu tư mới khoảng 6 tỉ USD, giá trị còn lại khoảng 3 tỉ USD, mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD.

Ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỉ USD. Đặc biệt, ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện. Nhiều huyện như Định Quán (Đồng Nai), 60% doanh thu ngành điện đến từ nhà máy sợi. Cho rằng đây là câu chuyện của chu kỳ kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp sợi đều như vậy, nên theo ông Trường, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất.

Doanh nghiệp bất động sản mong được vay lãi thấp hơn

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sungroup, đánh giá cao các chính sách hỗ trợ lãi suất, giảm lãi cho vay giúp doanh nghiệp vay được với lãi suất thấp hơn năm ngoái. Ông Trường cũng đề nghị các ngân hàng duy trì lãi suất thấp và giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia.

"Mong muốn của doanh nghiệp bất động sản là được tiếp cận tín dụng thấp hơn. Hiện nay có sự chênh lệch giữa các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước khá lớn (từ 4 - 5%)", ông Trường nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.