Vốn vẫn khó đến với doanh nghiệp, người dân

08/12/2023 06:31 GMT+7

Hội nghị gỡ khó tăng trưởng tín dụng diễn ra sáng 7.12, được Thủ tướng Phạm Minh Chính ví như "hội nghị Diên Hồng", nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho nền kinh tế, khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Tăng trưởng tín dụng vẫn thấp

Chỉ đạo khai mạc, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đang kêu khó tiếp cận vốn. Nhưng trong những năm qua, BĐS tăng giá nói chung, nếu khó khăn mà vẫn muốn giữ giá bán như cũ, vẫn đòi hỏi "một chiều" thì liệu đã có trách nhiệm chung chưa? "Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng có linh hoạt được không? Có DN gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?", Thủ tướng nhấn mạnh.

Vốn vẫn khó đến với doanh nghiệp, người dân - Ảnh 1.

Thủ tướng chỉ đạo tại hội nghị gỡ khó cho tăng trưởng tín dụng, ngày 7.12

NHẬT BẮC

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sau 4 lần giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NH thương mại giảm hơn 2%/năm so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm và mức NHNN đã phân bổ (14,5%). Một số tổ chức tín dụng (TCTD) thậm chí tăng trưởng tín dụng âm. Tính đến hết tháng 11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỉ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 thấp hơn so với cùng kỳ các năm. Đồng VN chỉ mất giá khoảng trên 2%, tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Ngoài ra, với chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng, 4 NH thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỉ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỉ đồng.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng lưu ý nhiều điểm trong điều hành chính sách tín dụng trong thời gian tới. Theo người đứng đầu Chính phủ, tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần do kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn của người dân và DN còn yếu. Nhưng phần khác là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi. Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự sát tình hình và yêu cầu thực tiễn. Đơn cử như một số điều kiện, điều khoản trong Thông tư 06/2023, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 10/2023.

Chính sách phải hết sức linh hoạt, chúng ta không hạ chuẩn các điều kiện cho vay, nhưng có linh hoạt được không? Có DN gặp khó khăn, nhưng dự án họ khả thi thì có cho vay được không?

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Bên cạnh đó, việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Việc cơ cấu lại các TCTD, nhất là các TCTD yếu kém còn chậm, chưa quyết liệt, khiến cho cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra. Các TCTD yếu kém này phải đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động được tiền gửi của người dân, khiến cho quá trình giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn…

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh phát hành trái phiếu DN để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ. Các DN BĐS cũng phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm. Thủ tướng cũng nhắc nhở khi diễn ra 2 hội nghị về BĐS, điều này vẫn chưa được triển khai tích cực.

Điều kiện, thủ tục cho vay còn cứng nhắc

Đúng như Thủ tướng đã nêu ra, khảo sát của Thanh Niên với nhiều DN, hiệp hội cho thấy điều kiện, thủ tục vay cứng nhắc là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng bị nghẽn. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết dịch tả heo châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, không chỉ đe dọa đến chăn nuôi nông hộ mà cả với chăn nuôi tại các trang trại lớn. Điều này càng khiến các NH đánh giá ngành chăn nuôi có rủi ro cao nên khá e dè trong việc cho vay vốn. Tất cả thủ tục, điều kiện cho vay vẫn giữ nguyên như trước đây, nhưng thậm chí việc xét duyệt càng khó hơn. 

Trong khi đó, ngành chăn nuôi ở Đồng Nai phải thực hiện chương trình di dời trang trại theo quy định nên hầu hết người chăn nuôi từ hộ gia đình đến DN đều rất cần nguồn vốn. Không kể chi phí đất thì để xây dựng chuồng trại mới phải có vốn từ 5 - 10 tỉ đồng. Sau đó, phải có vốn để mua heo, gà giống và thức ăn chăn nuôi… 

Hơn nữa, do bị xếp vào loại nhóm ngành có rủi ro cao nên nhiều NH cũng yêu cầu DN vay vốn phải có tài sản đảm bảo là BĐS ngoài cơ sở chăn nuôi. Trong tình hình BĐS gặp khó khăn, tài sản thế chấp đều bị định giá thấp hơn trước, nên hạn mức vay cũng giảm mạnh đến 50% khiến các hộ chăn nuôi, DN khó lại càng thêm khó vì thiếu vốn. Song song đó, lãi suất cho vay cũng còn quá cao. Rất nhiều hộ chăn nuôi, DN chỉ mới được giảm lãi suất khoảng 0,5%/năm so với trước và vẫn đang trả lãi suất khoản vay phổ biến từ 9 - 10%/năm. 

Ông Đoán nhấn mạnh: "Hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần như giảm lãi suất để hộ chăn nuôi, các DN trong ngành có cơ hội tiếp tục tái sản xuất, mở rộng hoạt động. Bên cạnh đó, quy trình thủ tục vay vốn còn quá khó khăn, nhất là với DN nhỏ và hộ chăn nuôi. Trước đây chúng tôi cũng từng có văn bản kiến nghị NH cho ngành chăn nuôi được thế chấp bằng vật nuôi như đàn heo, đàn gà cho nhu cầu vay vốn. Sau đó NHNN cũng có văn bản gửi các NH thương mại xem xét nhưng thực tế không có NH nào thực hiện. Có NH nói thẳng, không có văn bản, quy định nào cho phép thế chấp bằng vật nuôi sống nên không thể thực hiện. Vì vậy các hộ chăn nuôi, DN vẫn phải tự bơi, tự huy động vốn bằng nhiều hình thức và kinh doanh, sản xuất theo khả năng của mình. Cứ như vậy hoài thì không thể lớn vì không tăng được quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi thì cũng khó giảm chi phí, tăng lợi nhuận...".

Vốn vẫn khó đến với doanh nghiệp, người dân - Ảnh 3.

Cần xem xét áp dụng linh hoạt điều kiện, thủ tục cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận dòng vốn

NHẬT THỊNH

Tương tự, ông Đỗ Duy Tống, Chủ tịch Hội cơ khí - điện TP.HCM, nói thẳng để vay vốn được từ NH, điều kiện bắt buộc là DN phải có tài sản thế chấp và đó là BĐS. Thế nhưng bản chất nhiều hội viên của ngành này là DN nhỏ và siêu nhỏ. Thậm chí có những BĐS đang làm nhà xưởng xuất phát là của gia đình từ xưa và giấy tờ pháp lý không đầy đủ thì cũng không được NH chấp thuận làm tài sản thế chấp. Do đó rất nhiều đơn vị không thể tiếp cận được vốn từ các NH nên phải chọn giải pháp thuê tài chính và phải trả lãi suất cao hơn nếu được vay thông thường. Điều đó khiến DN khó càng thêm khó, lợi nhuận teo tóp nên càng khó tích lũy để mở rộng quy mô, đầu tư mới… 

Với phương án thế chấp bằng kho hàng hóa, nhiều NH cho biết họ không thể quản lý được nên sẽ khó chấp nhận các phương án vay vốn theo dạng này. Ông Tống cho rằng các NH cần tiếp cận DN sâu hơn, đánh giá các DN cũng dựa theo quá trình giao dịch, hoạt động để gia tăng độ uy tín. Từ đó mới có thể gia tăng tín nhiệm trong quá trình xem xét cho vay. Ngược lại ở góc độ DN, ông Tống thừa nhận, điểm yếu của nhiều DN nhỏ là hệ thống sổ sách, báo cáo tài chính chưa rõ ràng thì cũng cần phải thay đổi, tăng cường độ minh bạch. Dần dần mới gia tăng được niềm tin của phía NH để có thể vay vốn dễ hơn.

Bỏ các quy định gây khó cho DN

Tham dự và phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tiếp tục đề xuất xem xét để sửa đổi các quy định liên quan về vay vốn đang gây khó cho DN. Cụ thể, hiệp hội đề xuất NHNN xem xét sửa đổi Thông tư 06 theo hướng bỏ quy định TCTD phải quy định cụ thể việc "kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích" do quy định này làm tăng thêm quy trình, thủ tục, tăng "chi phí tuân thủ pháp luật" của TCTD, "gây khó" cho cả TCTD và chủ đầu tư dự án; bỏ quy định TCTD "phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay" đối với "trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ" để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của bộ luật Dân sự 2015. Đồng thời, đề nghị xem xét mở rộng hơn một số đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỉ đồng/căn và có ưu tiên cho "người mua căn nhà đầu tiên".

Ngoài ra, theo ông Châu, HoREA đề nghị NHNN xem xét hướng dẫn các NH thương mại về cách hiểu và có thể vận dụng, nới một chút các điều kiện vay vốn trên cơ sở cần xem xét sửa đổi, bổ sung điều 7 Thông tư 39/2016 để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường BĐS vẫn còn rất khó khăn hiện nay. Theo quy định, TCTD quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho vay không áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay. 

Nhưng trên thực tế thì do thiếu cơ chế "thẩm định, đánh giá tính khả thi của dự án đầu tư" nên hầu như tất cả các TCTD đều thích lựa chọn phương thức "áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay" và có khoảng trên dưới 70% khoản vay được bảo đảm bằng BĐS. Song song đó, đề nghị NHNN chỉ đạo các TCTD tiếp tục thực hiện Thông tư 02/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ cho các DN, người mua nhà, nhà đầu tư vượt qua khó khăn trong tình hình hiện nay.

Vốn vẫn khó đến với doanh nghiệp, người dân - Ảnh 4.

Theo các DN dự hội nghị, cần xem xét áp dụng linh hoạt điều kiện, thủ tục cho vay để hỗ trợ DN, người dân tiếp cận dòng vốn

M.A

Cũng là người đã nhiều lần đưa ra các ý kiến xoay quanh câu chuyện cho vay của NH, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hầu như NH ở VN đều chỉ "chăm chăm" cho vay theo tài sản thế chấp là BĐS. Các NH phải thay đổi phương pháp định giá tài sản để phù hợp thực tế. Ví dụ, đối với một tài sản là BĐS thông thường, NH sẽ có các phương pháp định giá gồm so sánh thị trường, tỷ lệ khấu hao, chiết khấu… Trong đó, tỷ lệ chiết khấu thường được lấy theo mức lãi suất trái phiếu chính phủ hằng năm thì cần phải có sự thay đổi theo thời gian ngắn hơn. 

"Chúng ta không ai đề xuất hạ chuẩn cho vay của ngành NH, nhưng quan trọng hơn là các NH đừng chỉ chăm chăm vào tài sản thế chấp là điều kiện đầu tiên khi cho vay. Có thể xem xét mở rộng theo hướng linh hoạt hơn như tăng cường cho vay tín chấp, vay theo dòng tiền, hàng tồn kho… Đồng thời phải thúc đẩy các quỹ bảo lãnh tín dụng mở rộng hoạt động để tăng cường hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn nhiều hơn. Nếu thúc đẩy lãi suất giảm mà điều kiện cho vay vẫn không có gì khác đi, nhất là ở thời điểm khó khăn như hiện nay thì dòng vốn vẫn tắc nghẽn, DN vẫn không thể vay được vốn", TS Hiếu chia sẻ thêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Nghiêm cấm dành lãi suất thấp cho lãnh đạo NGÂN HÀNG

Với các TCTD, Thủ tướng yêu cầu cần sát các chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, giảm lãi suất cho vay và công bố công khai lãi suất bình quân của NH. Tiếp tục hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đặc biệt, chấm dứt tình trạng cho vay tập trung vào một số DN, dự án thuộc hệ sinh thái, hoặc sân sau của tập đoàn dễ làm mất an toàn và lành mạnh của NH. Nghiêm cấm việc mở rộng room tín dụng, không được dành lãi suất thấp cho thành viên ban lãnh đạo NH.

Tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi. Trong đó, mỗi NH thương mại nghiên cứu, xây dựng đề án riêng để đẩy mạnh chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công an tiếp tục chủ trương không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Có giải pháp quyết liệt xử lý các vi phạm của tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen...

Nghiên cứu công bố công khai lãi suất cho vay

Thủ tướng giao NHNN chỉ đạo các TCTD rà soát các điều kiện tín dụng, linh hoạt hơn, sát tình hình hơn nữa, nhất là về tài sản thế chấp, về thủ tục cho vay, hỗ trợ DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn; đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Sớm hoàn thiện trình cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các hoạt động mới như Fintech, cho vay trực tuyến… để tạo điều kiện huy động và cho vay tiện lợi hơn.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay... Nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất bình quân của hệ thống TCTD và lãi suất bình quân cho vay, tạo điều kiện cho các DN, người dân lựa chọn NH có lãi suất thấp để vay. Xử lý nghiêm các NH đưa thêm các điều kiện, yêu cầu không đúng quy định, gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn tín dụng của DN đầu tư dự án BĐS và người mua nhà.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của pháp luật. "Tiếp tục kiểm soát tốt ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, cho vay chéo dẫn đến mất an toàn hệ thống", Thủ tướng nêu rõ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.