Người máy diễn kịch

01/09/2013 03:15 GMT+7

Nhiều người nghĩ kịch người máy sẽ đầy ắp về công nghệ mới. Nhưng cuối cùng, vở diễn Sayonara (Tạm biệt) chỉ chưa đầy 20 phút lại mềm mại như trôi trong một miền thơ...

Người máy diễn kịch

Cảnh trong vở diễn (người máy ngồi) - Ảnh: Ngữ Thiên

Người máy Geminoid mặc áo ren, tóc mây buông kín lưng, màu son môi nude thật hợp thời trang. Cô ngồi đó gần như bất động trên sân khấu, nhẹ nhàng cất giọng đọc thơ cho cô chủ nhỏ của mình. Những bài thơ của Tanikawa Shuntaro, Arthur Rimbaud..., buồn trải dài với những dự cảm về chuyến đi xa sắp đến. Hẳn là thế, vì cô chủ của người máy đọc thơ Geminoid đang ốm rất nặng, nặng đến mức cha cô bé mua người máy về để làm bạn cho cô đỡ buồn. Khi cô bé mất đi, người máy không được vận hành nên có trục trặc. Nhưng cuối cùng nó cũng được đưa tới một nơi mới để tiếp tục đọc thơ cho những người cần thơ để tiếp tục sống...

Vai diễn người máy đọc thơ đã được đo ni đóng giày cho một người máy Android của phòng thí nghiệm ĐH Osaka - đại học hàng đầu về công nghệ người máy ở Nhật Bản. Theo đó, kịch bản được viết lựa theo khả năng chỉ cử động phần thân trên của người máy. “Chúng tôi thu lại lời thoại, cử động của diễn viên thật rồi lập trình cho người máy. Chương trình được lập chính xác đến 0,1 giây. Nếu diễn viên không luyện tập kỹ thì có thể sẽ bị người máy bỏ lại khi lên sân khấu”, GS Oriza Hirata, tác giả và đạo diễn của vở nói. Chính vì thế, vở diễn này của ông mất 3 tuần để tập dượt, chuẩn bị trong khi đó lập trình cho người máy diễn vở dài tới một tiếng rưỡi cũng chỉ mất khoảng 3 giờ.

Với Sayonara, nhiều khán giả, đặc biệt là người đã luống tuổi vô cùng xúc động, thậm chí họ khóc. Khóc vì lời thoại không hề tung hứng mà như những độc thoại nội tâm. Chất tự sự, chất thơ của lời thoại lớp này tiếp lớp khác, và cho dù thế nào, nó cũng xoáy vào trải nghiệm về sự cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn. Nhưng điều này cũng khiến vở diễn dường như không có cao trào, không có kịch tính như những vở diễn thông thường khác.

Kịch người máy do Trung tâm văn hóa Nhật Bản mang đến Hà Nội, nói cho cùng là những trải nghiệm về sự cô đơn, và xa hơn là ý nghĩa của sự sống - chết. Trong đó, cái chết hoàn toàn không phải bi kịch, còn sự sống cũng không một màu hoan hỉ. Sống hay chết thì con người ấy, người máy ấy cũng cần sự chia sẻ để không phải một mình, không phải ngưng giao tiếp đến mỏi mòn. Cũng vì thế, vở diễn là tấm gương để khán giả chậm lại mà soi vào chính mình.

Sự cô đơn ấy càng gia tăng khi cuối vở diễn, đạo diễn chia sẻ rằng, ông cùng nhóm nghiên cứu kỳ vọng rằng sẽ chế tạo những người máy Android để sống với người cô đơn. Người máy ấy sẽ có hình dạng giống người thân của họ. Giá một robot như vậy khoảng 100.000 USD.  

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.