Cái giá của trường thọ

28/09/2012 03:40 GMT+7

Các nhà khoa học cho rằng đã có thể tìm ra chìa khóa cho sự trường thọ ở nam giới, nhưng với cái giá quá đắt.

Cái giá của trường thọ
Tài liệu quý Yang-Se-Gye-Bo - Ảnh: Development Institute of Korean Arts Information

Trong thời đại công nghiệp, phụ nữ trung bình sống lâu hơn đàn ông ít nhất 5 năm. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều yếu tố tác động đến sự khác biệt này, chẳng hạn như phụ nữ có thói quen sống lành mạnh hơn, hoặc phái yếu đã được tự nhiên phú cho những tế bào cứng cáp hơn đàn ông. Mới đây, một nghiên cứu về tuổi thọ của những người đàn ông đã bị hoạn, cho thấy hormone sinh dục nam (testosterone) có thể đóng vai trò trong việc rút ngắn tuổi thọ ở phái mạnh.

Ý tưởng cho rằng testosterone có ảnh hưởng đến tuổi thọ không phải mới được đề cập. Chó và những động vật bị thiến thường sống lâu hơn đồng loại còn nguyên vẹn bộ phận của giống đực. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sự liên hệ giữa hành động hoạn với sự trường thọ ở người khó được chứng minh, và thường không đi đến kết quả cuối cùng. Cuộc nghiên cứu vào năm 1969 ở Kansas (Mỹ) phát hiện đàn ông mất bộ phận sinh dục trung bình sống lâu hơn khoảng 14 năm so với người bình thường. Nhưng đến năm 1993, các chuyên gia lại cho rằng chẳng có gì khác biệt giữa người hoạn với người thường, khi kiểm tra những trường hợp nam ca sĩ ở Ý bị hoạn từ lúc thiếu niên để giữ được giọng cao vút.

Gần 5 năm trước, nhà sinh học Kyung-Jin Min của Đại học Inha ở Incheon đột nhiên phát hiện manh mối về vấn đề trên khi xem một bộ phim truyền hình Hàn Quốc về các hoạn quan. Chuyên gia Min bắt đầu nghĩ rằng liệu có thể tận dụng lịch sử được ghi chép cặn kẽ của Triều Tiên để đưa ra câu trả lời về sự liên quan giữa việc hoạn với khả năng kéo dài tuổi thọ. Cho đến cuối thế kỷ 19, vua chúa thời xưa ở các triều đại châu Á, như Triều Tiên, Trung Quốc, chỉ tin tưởng vào hoạn quan hầu hạ trong cung cấm. Thái giám cũng được phép kết hôn và thu nhận các bé trai bị hoạn từ nhỏ làm con cái. Tài liệu Yang-Se-Gye-Bo, gia phả ghi lại các gia đình thái giám Triều Tiên, vẫn còn được lưu lại đến ngày nay, và ghi rõ ngày sinh lẫn ngày chết cũng như những thông tin cá nhân khác của 385 thái giám từ giữa thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19.

Cái giá của trường thọ
Hình ảnh lưu giữ về thái giám thời xưa ở Trung Quốc - Ảnh: Wikipedia

Nắm được dữ liệu quan trọng trên, chuyên gia Min và các đồng sự thuộc Viện Lịch sử quốc gia Triều Tiên và Đại học Hàn Quốc bắt đầu nghiên cứu Yang-Se-Gye-Bo. Sau khi so sánh các thông tin với sử sách khác, nhóm chuyên gia đã có thể xác định và chứng thực tuổi thọ của 81 thái giám. Kết quả cho thấy những người “tịnh thân” sống lâu hơn từ 14 đến 19 năm so với người cùng thời, theo báo cáo trên chuyên san Current Biology. Trong số 81 đối tượng, có 3 người hơn 100 tuổi, một con số bất thường nếu so với dữ liệu hiện tại là chỉ xuất hiện 1 người sống trăm tuổi trong số 3.500 người ở Nhật Bản. “Tôi đã nghĩ là có sai sót trong dữ liệu và tiến hành rà soát một lần nữa,” ông Min nói, và kết quả vẫn như cũ.

Dù cuộc nghiên cứu trên không đưa ra câu trả lời trực tiếp tại sao thái giám lại sống thọ đến vậy, nhưng nó cung cấp chứng cứ mạnh mẽ nhất về vai trò của testosterone đối với tuổi thọ ở người đàn ông, theo đánh giá của Steven Austad, một chuyên gia của Đại học Texas (Mỹ). “Đây là cuộc nghiên cứu xuyên suốt nhất và được kiểm soát tốt nhất trong lĩnh vực này”, trang stuff.co.nz dẫn lời ông Austad. Cũng theo chuyên gia này, báo cáo của nhóm ông Min đã làm nổi bật vai trò của hormone sinh dục nam đối với vấn đề trường thọ. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng là làm sao tìm được phương pháp giúp phái mạnh sống lâu và khỏe, mà không cần phải trả cái giá quá đắt như các thái giám thời xưa.

Phi Yến

>> Yêu thương để trường thọ
>> Bí mật của cuộc sống trường thọ
>> Người đột biến và bí mật của trường thọ
>> Đi tìm “gien trường thọ”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.