Mạnh dạn thay đổi

27/04/2013 03:00 GMT+7

Hơn 200 ý kiến cho loạt bài Chọn nhiều người học hay chất lượng? chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của phụ huynh và học sinh về việc tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, vào ĐH đồng nghĩa với việc mở rộng hướng vào đời nên sự quan tâm này là điều hiển nhiên.

Một cái áo dù may khéo đến đâu cũng không thể mặc vừa cho tất cả mọi người. Cũng như vậy, một kỳ thi chung áp dụng cho hơn 400 trường ĐH, CĐ không thể tránh khỏi khập khiễng. Với ngành nghề đào tạo khác nhau, lịch sử, quá trình hình thành, chất lượng khác biệt nên cùng một cách thức thi tuyển có trường sẽ thấy phù hợp, trường khác xem là rào cản… Do đó, kỳ tuyển sinh theo hướng “3 chung” dù tồn tại hơn 10 năm và qua nhiều lần cải tổ, vẫn không thể là lựa chọn tối ưu.

Đây là lúc cần phải tính toán đến sự thay đổi. Các trường đề xuất nhiều phương án. Những phương án này thật ra cũng không có gì mới vì các nước trên thế giới vẫn đang áp dụng. Ai cũng có những lý do chính đáng để cho rằng phương án của mình là hợp lý.

Các trường muốn xét tuyển dựa trên kết quả học THPT và thi tốt nghiệp bậc học này khẳng định đây là những yếu tố cần để vào được ĐH và các nước khác trên thế giới vẫn làm. Điều này không sai nhưng hầu hết những nước áp dụng phương thức này đều có chương trình giáo dục phổ thông đảm bảo chất lượng và giữ uy tín với lời hứa “mở rộng đầu vào, siết chặt đầu ra” bậc ĐH. Còn bây giờ, chúng ta yên tâm được không với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có vấn đề? Khi thì xảy ra gian lận trong coi thi như ở Bắc Giang, lúc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bắt tay chấm thi dễ…

Chỉ có thể giải quyết được vấn đề nếu đi từ gốc. Trước hết phải xây dựng được một nền giáo dục tử tế từ bậc phổ thông. Phải nhanh chóng phân tầng xếp hạng các trường ĐH, trên cơ sở đó các trường định ra hướng tuyển sinh phù hợp. Có thể chỉ những trường hàng đầu cần một kỳ thi mang tính chất chọn lọc, trường theo hướng đại trà chỉ cần xét tuyển dựa trên một tiêu chí nào đó như kết quả học phổ thông chẳng hạn.

Điều quan trọng hơn cả cần phải thật lòng khi đặt vấn đề. Với các trường, nên có sự minh bạch vì lợi ích của người học hay quyền lợi của chính mình? Nghĩa là để tạo cơ hội học tập cho thí sinh hay để có đủ sinh viên cho trường tồn tại? Phía Bộ cũng cần cương quyết nhưng công tâm. Không thể vá víu “cái áo 3 chung” đã quá cũ và không còn phù hợp. Mạnh dạn thay đổi với mục đích cuối cùng là đảm bảo sự công bằng cho người học và một nền giáo dục đàng hoàng và tử tế.

 T.Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.