Ám ảnh Thượng Nung

27/02/2013 09:55 GMT+7

Không điện lưới, thiếu nước sạch, lương thực và cả con chữ... đó là thực tế tại hai xóm Lũng Luông, Lũng Cà (xã Thượng Nung, H.Võ Nhai, Thái Nguyên).

Đêm đông miền núi ập xuống trong chớp nhoáng. Mới 18 giờ mà quanh chúng tôi bóng tối đã bao trùm, trong mỗi căn nhà chỉ có ánh sáng vàng quạch của ngọn đèn dầu.

Trong ngôi nhà ở cuối xóm Lũng Cà của chị Lý Thị Thảo, 30 tuổi, 4 đứa con, lớn nhất mới 10 tuổi đang ngủ khì. Bà mẹ trẻ ngồi bên bếp lửa cho biết lấy chồng từ năm 16 tuổi nên mới nhiều con thế, dù nhà quá nghèo, quanh năm chỉ biết trồng ngô, sắn.

Ám ảnh Thượng Nung
Người dân Thượng Nung chờ nhận chăn bông, áo ấm - Ảnh: Lê Đình Nguyên

Nhóm sinh viên tình nguyện chúng tôi khó ngủ vì lạnh, vì tiếng muỗi vo ve và cả vì mùi khói bếp ngai ngái.

Trong chuyến đi tình nguyện của chúng tôi tới Thượng Nung, 7 km đi bộ từ trung tâm xã lên Lũng Cà, Lũng Luông, đường trơn, trời mưa khiến chúng tôi ướt sũng, áo quần dính đầy đất đỏ, nhưng khi bao tải chăn bông vừa được mở ra, một cụ già đã đến: “Cho bà xin một cái chăn, lạnh lắm, rét lắm con ơi”.

Bà cụ nhận chiếc chăn, ôm như báu vật về nhà, mắt đùng đục những nước. Người làng nói cụ tên là Nguyễn Thị Phương, 75 tuổi, dân tộc Tày.

Khi chúng tôi vác hàng lên núi, dọc đường gặp anh Lý Văn Xỳ, dân tộc Mông, 40 tuổi, quần áo rách bươm, tay chân lở loét đang ngồi bệt giữa dốc. Anh Xỳ nói vừa địu được gùi nước từ dưới suối lên thì vấp ngã, nước đổ hết nên tiếc.

Bí thư đoàn xã Thượng Nung, anh Lý Văn Hoàng cho hay, trước đây xã đã làm đường ống dẫn nước cho xóm, nhưng nay ống hỏng, người dân phải đi cõng nước từ khe, suối về chứa trong chum, vại dùng dần. Mùa khô nước hiếm, trẻ con cả tuần có khi không tắm nên thường mắc bệnh ngứa, ghẻ, đau mắt...

“Bà con vẫn giữ tục du canh du cư, họ là người Mông, người Tày từ Cao Bằng về đây nhưng có khi năm sau lại bồng bế nhau đến nơi khác. Tình trạng này đang tăng trong 3 - 4 năm nay”, anh Hoàng kể.

Thượng Nung vẫn còn những bản nghèo, đói và lạc hậu một cách khó tin như thế. Hai xóm có 160 hộ gia đình nhưng đến 1.200 nhân khẩu, tuổi kết hôn trung bình là 15, có đến 50% dân số không nói được tiếng phổ thông.

Điểm trường tiểu học, THCS Lũng Luông nằm chon von trên một quả đồi heo hút, bàn ghế xộc xệch những tấm gỗ mối mọt. Các cô giáo vượt dốc đến điểm trường, mang theo cá khô, muối vừng ăn dần một tuần rồi lại phải về tiếp thêm lương thực.

Chỉ có 30 cháu được học mẫu giáo, 153 cháu được học cấp I. Năm 2012, Thượng Nung mất phổ cập tiểu học vì nhiều nhà quá nghèo, cha mẹ phải cho con nghỉ học để ở nhà trồng sắn, trồng ngô.

Đáng nói là đến nay hai xóm Lũng Cà, Lũng Luông vẫn chưa có điện. Đêm văn nghệ mà chúng tôi tổ chức để chia tay Thượng Nung, dân làng kéo đến từ chiều, củi cháy rừng rực, trẻ con tranh giành chỗ đứng.

Có người bảo, lần đầu tiên trong đời được xem hát, múa, nhưng nhiều người, cả già lẫn trẻ chạy hết khi thấy chúng tôi mở máy ảnh. “Chụp ảnh đau lắm”, một cụ ông bảo.

Chúng tôi rời Thượng Nung cũng trong mưa, lòng nặng nề những ám ảnh về xóm nghèo chỉ cách thành phố Thái Nguyên 40 km.

Một em bé người Mông là Sùng Thị Día, đang học lớp 4, nước mũi tèm nhem khi đứng trên nhà sàn vẫy tay tạm biệt. Em học giỏi nhất lớp và là cô bé nói cười nhiều nhất trong đêm văn nghệ.

“Em thích đi học. Nhưng chắc chỉ học hết lớp 5 thôi rồi ở nhà trồng ngô, nuôi gà, địu nước”, tiếng em nhòe nhoẹt giữa trời Thượng Nung lạnh buốt...

Thúy Hằng

>> Sinh viên tình nguyện tuyên truyền Luật Giao thông
>> 10 sinh viên tình nguyện bị ngộ độc thực phẩm
>> Ăn thịt heo kho, 10 sinh viên tình nguyện bị ngộ độc
>> Bổ sung kiến thức pháp luật cho sinh viên tình nguyện
>> Hơn 13.000 sinh viên tình nguyện hỗ trợ thí sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.