“Phủ sóng” bảo tàng

29/09/2012 03:00 GMT+7

Cả nước hiện có 127 nhà bảo tàng. Hệ thống nhà bảo tàng hầu như được “phủ sóng” ở tất cả các tỉnh, thành. Mỗi nhà bảo tàng như thế, nếu bé thì chiếm khoảng 1 ha, còn “hoành tráng” thì lên đến trên 7 ha, phần lớn đều chiếm các vị trí đắc địa nhất ở các thành phố.

Bảo tàng thường đặt ở vị trí thuận tiện cho việc tham quan của du khách, lại “dễ nhìn” nhất, song thật đáng tiếc. “Phần lớn bảo tàng luôn luôn vắng khách”, đó là câu nhận xét cửa miệng nếu như ai đó được hỏi. Vì sao? Nói thẳng ra là nó không hấp dẫn người xem.

Một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến, lại kinh qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc đầy khốc liệt nhưng cũng rất đỗi hào hùng như Việt Nam thì việc lưu giữ “dấu chân” của tổ tiên là điều hết sức cần thiết và là việc phải làm. Bảo tàng không chỉ làm nhiệm vụ lưu dấu một thời kỳ đã qua của đất nước mà thông qua các hiện vật, nó còn “ủ” cho các thế hệ kế tiếp một hơi ấm của ngọn lửa yêu nước. Hệ thống nhà bảo tàng ở nước ta ra đời cũng xuất phát từ ý nghĩa đó. Tuy nhiên, những nhà quản lý văn hóa và những người làm công tác bảo tàng lại thường chú trọng đến việc “xây”, còn việc làm sao để những hiện vật được trưng bày trong đó trở nên hấp dẫn du khách thì lại không mấy chú trọng. Những hiện vật trong bảo tàng, dù chúng “vô tri” nhưng đó lại là bảo chứng cho một giai đoạn lịch sử. Vì vậy, nó phải được thổi vào đó hồn vía của một thời kỳ lịch sử thông qua cách bài trí hoặc thuyết minh. Bày biện làm sao đó để các hiện vật trong bảo tàng trở thành một câu chuyện kể tự thân, nó phải được “cựa quậy” và hấp dẫn, khi nhìn vào đó, người đời sau có thể hình dung được một thời kỳ lịch sử đã qua, hoặc người trong cuộc như gặp lại chính mình trong những năm tháng gian lao mà họ vừa nếm trải. Sở dĩ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn đông khách, luôn hấp dẫn người xem chính là ở chỗ này. Xem một lần là muốn quay trở lại để xem lần nữa chứ không phải xem một lần rồi... chào luôn.

Sự nghèo nàn của hiện vật cộng với cách sắp xếp quá tùy tiện, đó là chưa nói đến những cảnh được dựng lại nhiều khi rất phản cảm (Bảo tàng Sơn Mỹ là một điển hình), khiến cho người xem chỉ có thể “nhìn” mà không thể “cảm” khi đặt chân đến các bảo tàng. Không ít bảo tàng hiện nay trở thành một cái kho chứa đồ cũ hơn là nơi lưu giữ hiện vật. Chả trách các phòng ốc của một vài bảo tàng chăng đầy mạng nhện. Trong “ruột” bảo tàng là vậy, ngoài khuôn viên của một số bảo tàng hiện nay trở thành nơi bán hàng nước. Cũng chả trách chi được nhau vì các nhân viên của bảo tàng cũng cần tiền để duy trì cuộc sống tối thiểu cho mình nên buộc phải “cải thiện” như vậy.

Trong lúc du khách ngày một quay lưng lại với hệ thống bảo tàng hiện tại, những người tâm huyết với lịch sử của dân tộc chưa tìm ra phương thuốc chữa trị cảnh đìu hiu của các bảo tàng thì một dự án trên 11.000 tỉ đồng để tiếp tục xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang được ráo riết triển khai, và đến năm 2020 phải xây cho đủ 172 bảo tàng cho đạt kế hoạch. Nên chăng?

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.