Xử lý hàng loạt trường sai phạm

24/10/2012 03:40 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa có hàng loạt quyết định xử phạt các đơn vị giáo dục và đặc biệt kiến nghị rút giấy phép hoạt động đối với 4 cơ sở ERC, IFA, Melior, SIBME.

Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, trao đổi với phóng viên Thanh Niên xung quanh việc xử lý quyết liệt đối với những đơn vị sai phạm và cách giúp người học tìm được các chương trình học hợp pháp.

 


Cơ sở giáo dục ERC (ảnh dưới) và Melior là 2 trong 4 đơn vị nhiều lần sai phạm nên bị đề nghị rút giấy phép hoạt động - Ảnh: Đ.N

Ông Bằng cho biết: “Các đơn vị bị kiến nghị rút giấy phép là do không có chức năng đào tạo ĐH, CĐ trên lãnh thổ Việt Nam. Đơn vị không có chức năng giáo dục, đơn vị có phép đào tạo sơ cấp nghề nhưng tìm cách “lách luật” để đào tạo, cấp bằng ĐH, CĐ... Trước đây, khi xử phạt, Bộ đã yêu cầu chấm dứt ngay những hành vi đó. Nhưng trong đợt thanh tra vừa rồi, chúng tôi phát hiện các đơn vị này tiếp tục có hoạt động đào tạo trái phép. Như vậy, theo luật, các đơn vị này đã tái phạm. Cho nên, ngoài việc xử phạt hành chính, Bộ GD-ĐT kiến nghị UBND TP.HCM rút các loại giấy phép đào tạo của các đơn vị này tại Việt Nam”.

Thưa ông, có phải đây là lần đầu tiên Thanh tra Bộ GD-ĐT xử lý quyết liệt bằng cách kiến nghị rút giấy phép 4 đơn vị giáo dục?

Trong Pháp lệnh xử phạt có nội dung này nhưng đúng là lần đầu tiên chúng tôi áp dụng điều này. Về xử phạt thì Thanh tra bộ đã xử phạt trước đó. Các đơn vị này tái phạm nên chúng tôi vẫn tiếp tục xử phạt và bên cạnh đó kiến nghị rút giấy phép hoạt động. Đây là thẩm quyền của UBND TP.HCM nên mới phải kiến nghị như vậy.

Cơ sở giáo dục bị đề nghị rút giấy phép đa số là các đơn vị có yếu tố nước ngoài. Qua đợt này, Bộ có động thái nào để siết chặt hơn với các đơn vị tương tự hay không?

Mục đích quản lý không phải là siết chặt mà là để các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh. Trước kia, các đơn vị đào tạo có yếu tố nước ngoài hoạt động theo các văn bản về đầu tư, Nghị định 6 và Nghị định 18. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2012 quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Nghị định này quy định rõ ràng hơn, đầy đủ hơn các hoạt động của các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Bộ đang tổ chức triển khai nghị định, đồng thời tiếp tục thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh các hoạt động này bảo đảm cho việc liên kết phát triển, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Hiện tại, Bộ chỉ mới có danh mục các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được cấp phép tại các trường. Trong khi phụ huynh và học sinh rất cần có nguồn tham khảo tương tự với các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Ông có ý kiến gì về việc này?

Tất cả các đơn vị có yếu tố nước ngoài xin phép đào tạo ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét, thẩm định và nếu cho phép sẽ đưa vào danh mục các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng các đơn vị xin phép đào tạo sơ cấp nghề nhưng gộp nhiều khóa lại để cấp bằng ĐH, CĐ. Việc quản lý đào tạo sơ cấp nghề thuộc thẩm quyền của các sở LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT chỉ xử phạt khi vi phạm về đào tạo ĐH, CĐ. Vì vậy, phụ huynh, học sinh khi tìm nơi để học - sử dụng dịch vụ thì cũng cần phải tìm hiểu tất cả thông tin liên quan tại các cơ quan quản lý, phương tiện thông tin đại chúng, mạng thông tin điện tử. Cần phải xem đơn vị trong nước đã được cấp phép chưa; Chương trình như thế nào; Điều kiện bảo đảm chất lượng ra sao; Cơ sở đào tạo nước ngoài liên kết đã được xếp hạng, kiểm định, được công nhận, được phép hoạt động ở nước ngoài hay không...

Dư luận đánh giá lần này Bộ xử lý khá nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực giáo dục, điều này có được tiếp tục phát huy trong thời gian tới không, thưa ông?

Xử phạt một mặt là việc áp dụng trách nhiệm pháp lý đối với đơn vị vi phạm, giáo dục các chủ thể vi phạm đồng thời có tác dụng giáo dục chung. Thực tế có nơi chưa bị xử phạt nhưng thấy việc xử phạt nghiêm thì phải tự “soi” mình để điều chỉnh hoạt động đúng pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm. Việc xử lý nghiêm không có mục đích nào khác là giữ vững kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Các đơn vị bị xử phạt

Liên tiếp từ ngày 16 - 19.10, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã quyết định xử phạt các đơn vị giáo dục với nhiều lỗi sai phạm.

- Các trung tâm ERC, Melior, SIBME, IFA tái phạm việc liên kết, tuyển sinh, đào tạo với nước ngoài trái phép.

- Trường ĐH Phương Đông, Trường ĐH Sài Gòn, Công ty cổ phần SARA Hà Nội, Viện Quản trị tài chính, Viện Nghiên cứu tin học và ứng dụng, Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông liên kết đào tạo chương trình với nước ngoài trái phép.

- Trường CĐ Y tế Tiền Giang tuyển sinh vượt chỉ tiêu.

- Trường ĐH Bình Dương, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long, Trường CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Tiền Giang, Trường Chính trị Phạm Hùng (Vĩnh Long) chấm thi tốt nghiệp sai quy định.

- Trường trung cấp Kinh tế công nghệ Đông Nam (Bình Dương), Trường trung cấp Bách khoa Gò Công (Tiền Giang) tuyển sinh và đào tạo ngành học chưa được cấp phép.

Đăng Nguyên

>> Cảnh cáo hiệu trưởng vi phạm tuyển sinh
>> 20 trường vi phạm tuyển sinh và đào tạo
>> Xử lý nghiêm trường vi phạm tuyển sinh
>> Nhiều trường vi phạm quy định xét tuyển NV2

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.