Xem người Cơ Tu sống dưới dãy Trường Sơn cúng tạ thần núi

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
16/05/2024 12:18 GMT+7

Đồng bào Cơ Tu tại H.A Lưới (Thừa Thiên – Huế) cúng tạ thần núi, rừng, sông, suối trong phạm vi làng cai quản khi đã ban tặng cho làng bản có được cuộc sống ấm no, sung túc, mùa màng bội thu...

Sáng sớm 16.5, già làng Hồ Văn Sáp (83 tuổi, ở thôn A So, xã Lâm Đớt, H.A Lưới) cùng nhiều nam thanh nữ tú đồng bào Cơ Tu đã có mặt sớm tại gươl làng ở quảng trường trung tâm H.A Lưới để chuẩn bị làm lễ Tậc Ka Coong (lễ cúng thần núi). Đây là một trong những nghi lễ truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Già Hồ Văn Sáp cùng nhiều nam thanh nữ tú Cơ Tu có mặt từ sớm để chuẩn bị lễ cúng thần núi

Già làng Hồ Văn Sáp cùng nhiều nam thanh nữ tú Cơ Tu có mặt từ sớm để chuẩn bị lễ cúng thần núi

LÊ HOÀI NHÂN

Theo già Sáp, trước khi nghi lễ diễn ra, ông triệu tập dân bản, họ tộc họp bàn về lễ cúng như thời gian diễn ra, người đóng góp...

Tiếp đó là lễ tẩy rửa để tẩy đi những điều ô uế do con cháu trong làng vô tình gây ra. Bởi theo quan niệm của người Cơ Tu, nếu không làm lễ tẩy rửa thì làng bản không được sạch sẽ, lễ hội không thành công vì Yàng (trời) không chấp nhận.

Lễ cúng thần núi của người Cơ Tu được tái hiện tại nhà gươl Quảng trường trung tâm H.A Lưới

Lễ cúng thần núi của người Cơ Tu được tái hiện tại nhà gươl quảng trường trung tâm H.A Lưới

LÊ HOÀI NHÂN

Dân làng tiếp tục tổ chức lễ cúng sạch, dâng mâm cỗ sạch cho Yàng và các vị thần linh. Sau đó, già làng lại triệu tập một cuộc họp thứ 2, phân công trách nhiệm cho từng nhóm người, tùy theo sở trường của họ.

Trước khi bắt đầu lễ cúng, người Cơ Tu làm lễ dựng cây nêu. "Những người có uy tín trong làng sẽ chung tay chôn cây nêu xuống đất và cùng ước nguyện thần núi ban cho dân làng sức khỏe, may mắn, hạnh phúc", già Sáp nói.

Dựng cây nêu là một trong những nghi thức quan trọng của lễ tạ thần núi

Dựng cây nêu là một trong những nghi thức quan trọng của lễ tạ thần núi

LÊ HOÀI NHÂN

Trước đây, trong lễ cúng thần núi của người Cơ Tu còn có nghi thức đâm trâu, tuy nhiên ngày nay đã được lược bỏ.

Tiếp đến là nghi thức dâng mâm cỗ, người Cơ Tu chọn những cô gái chàng trai Cơ Tu đẹp người, có tâm hồn thánh thiện thực hiện nghi thức này. Các món ăn được chế biến từ những phần ngon nhất của các vật tế (trâu, bò, dê, heo, gà...) và từ những hạt nếp nương dẻo thơm.

Xem người Cơ Tu sống dưới dãy Trường Sơn cúng tạ thần núi- Ảnh 4.
Xem người Cơ Tu sống dưới dãy Trường Sơn cúng tạ thần núi- Ảnh 5.
Xem người Cơ Tu sống dưới dãy Trường Sơn cúng tạ thần núi- Ảnh 6.

Nghi thức dâng lễ cúng lên thần linh

LÊ HOÀI NHÂN

Người Cơ Tu sẽ chọn những cô gái chàng trai đẹp người, có tâm hồn thánh thiện, trong sáng để tham gia nghi lễ tạ thần núi

Người Cơ Tu sẽ chọn những cô gái chàng trai đẹp người, có tâm hồn thánh thiện để tham gia nghi lễ tạ thần núi

LÊ HOÀI NHÂN

Cuối cùng là lễ cúng chín. Già Sáp đọc các nghi thức để báo cáo với thần linh: "Ơ Yàng, đây là mâm cỗ lễ hội Tấc Ka Coong, đầy đủ các món ăn thức uống, thơm ngon đặc biệt mà con cháu làng bản đã bày trên bàn Pa Ra, cao ráo sạch sẽ. Xin mời thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối đến thưởng thức, tạ ơn các vị thần đã ban cho con cháu, làng bản người Cơ Tu cuộc sống bình yên, no đủ, cho con cháu trưởng thành nên người".

Khi các nghi thức cúng tế đã trọn vẹn, đủ đầy, già làng với dân làng cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống, vũ điệu Tâng tung da dá (vũ điệu dâng trời) nhịp nhàng uyển chuyển.

Già làng với con cháu trong bản cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống nhảy múa sau khi nghi lễ đã trọn vẹn

Già làng với con cháu trong bản cùng hòa theo tiếng chiêng, nhịp trống nhảy múa sau khi nghi lễ đã trọn vẹn

LÊ HOÀI NHÂN

Dân tộc Cơ Tu ở H.A Lưới sống tập trung dưới dãy Trường Sơn ở các xã Hồng Hạ, Hương Nguyên, Lâm Đớt và số ít ở xã Hồng Thượng, Phú Vinh. Người Cơ Tu ở A Lưới có trên 10 lễ hội truyền thống lớn nhỏ, luôn được duy trì và phát huy, trong đó có lễ cúng thần núi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.