Xót xa rừng Sóc Sơn bị 'xẻ thịt'

21/08/2023 07:55 GMT+7

Chứng kiến đất rừng Sóc Sơn (Hà Nội) bị "xẻ thịt", nhường chỗ cho những tòa nhà, công trình kiên cố, nhiều người dân thuộc diện đi phát triển kinh tế mới ở H.Sóc Sơn cảm thấy xót xa, tiếc nuối khi những cánh rừng xanh mướt dần dần mất đi.

Công trình kiên cố "mọc" ầm ầm

Sống ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí, H.Sóc Sơn) hơn 30 năm, ông N.H (73 tuổi) cảm nhận rõ sự "thay da đổi thịt" từng ngày của vùng đất này. Xưa kia, con đường quanh hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân) vào sâu trong thôn chỉ là đường đất với nhiều đoạn bùn lầy thì giờ đây, nhiều đoạn đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông.

Xót xa rừng Sóc Sơn bị 'xẻ thịt' - Ảnh 1.

Hàng loạt công trình bê tông kiên cố vây kín hồ Đồng Đò

NGUYỄN TRƯỜNG

Trước đó, khoảng năm 1988, ông H. cùng những công dân khác của H.Sóc Sơn đã đi theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước đến vùng kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân) khai hoang, phát triển kinh tế. Ông H. hăng hái tham gia và nhận hơn 5 ha đất rừng để trồng cây, phủ xanh rừng trọc. Vượt qua muôn vàn khó khăn, khổ cực, những ngọn đồi trùng điệp xưa kia chỉ toàn là cỏ cháy dần dần đã được che phủ bằng bóng cây rừng xanh mướt.

Một thời gian sau, khi thấy sức mình không thể bảo vệ rừng, ngăn người khác chặt cây, chặt củi hầm than, ông H. chuyển nhượng toàn bộ 5 ha cây rừng cho một cá nhân khác. "Khi đó, tôi chuyển nhượng lại rừng cho họ, không mua bán, đổi chác gì. Mình không giữ được rừng thì để cho người khác giữ, hưởng chế độ trông nom, bảo vệ rừng từ Nhà nước", ông H. nói.

Theo ông H., xưa kia, từ đầu hồ Đồng Đò chạy vào sâu trong nơi ông sinh sống toàn là cây xanh. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, người dân ở các nơi khác kéo đến, xây dựng công trình kiên cố ầm ầm. Vậy nhưng, mỗi lần có ý định xây dựng căn nhà mới thay căn nhà cấp 4 đã chật chội, xuống cấp thì ông H. đều bị cơ quan chức năng ngăn cấm vì "vướng quy hoạch".

Chứng kiến đất rừng bị "xẻ thịt", nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng chạy dọc con đường quanh hồ Đồng Đò, ông H. cảm thấy kinh hãi. "Có năm, mưa lớn gây sạt lở khiến cả hồ nước đổi màu đỏ au. Rồi nhìn những cánh rừng bị "xẻ thịt", tôi cảm thấy buồn vì bao nhiêu công lao của người phát triển kinh tế mới năm xưa bị tàn phá. Giờ đây, trên đỉnh đồi cũng có lán trại, đường mở lung tung khắp nơi", ông H. bày tỏ.

Là người hơn 30 năm sinh sống ở xóm Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, H.Sóc Sơn), bà N. chưa bao giờ chứng kiến cảnh lũ quét cuốn theo hàng tấn đất đá vùi lấp nhiều ô tô, dù cơn mưa sáng 4.8 được bà đánh giá là "chưa ăn thua gì" so với những trận mưa lớn trước đó. Sống dưới chân đồi ở xóm Ban Tiện, bà N. bày tỏ sự tiếc nuối trước thực trạng những cánh rừng xanh mướt bị chặt phá rồi bê tông hóa để xây dựng nhà cửa.

Đề cập tới việc cơ quan chức năng đang điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ, bà N. cũng như các hộ dân khác ở xóm Ban Tiện mong muốn chính sách này sớm hoàn thành. "Điều chỉnh quy hoạch giúp chúng tôi ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải làm cẩn trọng, tránh hợp thức hóa sai phạm cho những trường hợp lấn chiếm đất rừng làm công trình kiên cố", bà N. nói.

Phải xử lý dứt điểm trường hợp xây dựng trái phép

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở NN-PTNT Hà Nội) Lê Minh Tuyên, rừng Sóc Sơn trước đây thuộc lâm trường Sóc Sơn. Một số diện tích do chính quyền sở tại giao cho người dân (có sổ lâm bạ) để trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo các dự án 3352 và Quyết định 661/QĐ-TTg. Năm 2008, Quyết định số 2100 được ban hành khiến toàn bộ địa giới các xã Minh Trí và Minh Phú nằm trong diện tích rừng phòng hộ đặc dụng.

Tuy nhiên, sau khi có kết luận của thanh tra, cơ quan chức năng mới phát hiện có quy hoạch trùng lên phần đất ở thuộc địa bàn 2 xã này. Do đó, thành phố đã chỉ đạo H.Sóc Sơn tiến rà soát, nếu hộ dân nào có hồ sơ chứng minh về địa phương ở từ trước năm 1993 thì sẽ "bóc tách" ra, sau đó phối hợp với các sở, ngành để xử lý.

Trước thực trạng sau kết luận thanh tra vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn không thuyên giảm mà lại gia tăng, ông Tuyên đề nghị H.Sóc Sơn phải đẩy nhanh việc rà soát, cắm mốc ranh giới và xử lý dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép ở rừng Sóc Sơn theo đúng quy định. Việc xử lý cần được thực hiện nhanh, dứt điểm vì để mãi thế này khiến người dân và Nhà nước cùng "mệt".

Theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND H.Sóc Sơn, quy hoạch rừng theo Quyết định số 2100 tồn tại nhiều bất cập. Thành phố quy hoạch toàn bộ 4.557 ha đất thành rừng phòng hộ, trong khi chỉ có 3.266 ha rừng thực sự. Trong gần 1.300 ha còn lại có khoảng 3.000 thửa đất của các thôn, xóm, làng nằm trong rừng, ngoài ra có cả công trình phúc lợi, di tích, công trình của quân đội…

Huyện đang rà soát để đề xuất thành phố điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008 theo đúng thực tế, dự kiến hoàn thành trong tháng 10 tới. Ông Ngọc mong người dân nằm trong diện chồng lấn quy hoạch tại Quyết định số 2100 kiên nhẫn, không xây dựng công trình, đợi chính quyền rà soát thống kê và có phương án báo cáo thành phố.

Trước thực trạng vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn không thuyên giảm mà lại gia tăng, ông Ngọc đã yêu cầu Phòng TN-MT H.Sóc Sơn, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thống nhất số liệu vi phạm trên đất rừng tồn đọng từ trước khi ban hành kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội và 8 tháng năm nay trên địa bàn xã Minh Trí và Minh Phú để công khai trước thông tin đại chúng...

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 21.8

Năm 2019, Thanh tra TP.Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng ở H.Sóc Sơn, nêu rõ còn hàng nghìn trường hợp vi phạm, trong đó đa số là vi phạm đất rừng. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm. 

Tuy nhiên, đến nay, bên đường ven hồ Đồng Đò và xóm Ban Tiện vẫn có nhiều công trình kiên cố, thậm chí xuất hiện thêm nhiều công trình vi phạm khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.